Người già cần lưu ý điều gì trong mùa dịch COVID-19?

Theo các số liệu thống kê nghiên cứu cho thấy người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ cao mắc COVID-19, bệnh nặng nề hơn, điều trị dài hơn với chi phí tốn kém hơn và tỉ lệ tử vong cũng cao hơn.

Trên thực tế, hiện nay 3 ca tử vong liên quan đến COVID-19 tại Việt Nam đều rơi vào nhóm người cao tuổi có nhiều bệnh lý nền, bệnh mãn tính nặng... kèm theo. Do đó, đây là nhóm đối tượng cần đặc biệt chú ý chủ đồng phòng chóng COVID-19 để không bị lây nhiễm.

Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, ngoài việc thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân cũng cần thực hiện một số biện pháp cụ thể về chăm sóc dinh dưỡng hợp lý và đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm góp phần phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở các nhóm đối tượng này.

Cụ thể, với nhóm người cao tuổi cần đặc biệt lưu ý ăn đủ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt bò, thịt gà, trứng, lưu ý đến khẩu vị, sở thích để có thể ăn đủ số lượng. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 cốc mỗi ngày. Đôi khi chế độ ăn kiêng quá ngặt nghèo sẽ làm cho cơ thể thiếu chất, suy giảm hệ miễn dịch.

Nhóm người cao tuổi cần đặc biệt lưu ý ăn đủ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Ảnh: IFuun

Ngoài ra, cần cung cấp đủ nước cho cơ thể. Người cao tuổi cần chủ động cung cấp đủ nước cho cơ thể hàng ngày ít nhất từ 1,5- 2 lít nước mỗi ngày, không nên uống nhiều nước và buổi tối trước khi đi ngủ.

Người dân cần uống nước sạch, nước đun sôi để nguội, uống chậm, từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày ngay cả khi không khát, không nên để miệng và cổ họng khô. Đồng thời, không nên uống nước ngọt, đồ uống chứa cồn, trà, cà phê thay cho nước lọc.

Bên cạnh đó, cần ăn đa dạng các loại thực phẩm. Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu protein động vật như các loại cá, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa... và protein thực vật từ các loại đậu, đỗ... Cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết, như vitamin A, C, D, E, sắt, kẽm, selen, đây là những chất quan trọng góp phần tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

Tăng cường sử dụng một số thực phẩm, gia vị chứa các hoạt chất đặc biệt giúp tăng cường miễn dịch như tỏi, hành, nghệ, sả, nấm, tảo biển… giúp kích thích hệ thống miễn dịch thông qua kích hoạt các cytokin, hoạt hóa đại thực bào để thực hiện chức năng miễn dịch. Ngoài ra, nhóm thực phẩm chứa flavonoid như súp lơ xanh, cải xanh, táo… cũng đóng vai trò quan trọng giúp tăng khả năng chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch của cơ thể.

Đối với những người đang mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, Parkinson... cần uống thuốc điều trị bệnh thường xuyên, đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Thực hiện chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng.

Ngoài ra Bộ Y tế cũng khuyến cáo người cao tuổi nên ở nhà, tránh tập trung nơi đông người. Nên hạn chế đi ra ngoài, nhất là khi thời tiết thay đổi, khi có dịch bệnh đang lưu hành. Đặc biệt là những người có thể trạng yếu có nhiều bệnh lý nền hoặc có bệnh lý nền chưa được điều trị ổn định. Ở không gian hẹp, nhóm người cao tuổi, người bệnh mạn tính cần sử dụng khẩu trang, giấy khô đề phòng ho, khạc, nước sát khuẩn nhanh để vệ sinh tay thường xuyên.

Không chỉ thế, với nhóm người cao tuổi cần đảm bảo môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ để không khí được lưu thông, thường xuyên mở cửa sổ tuy nhiên cũng cần tránh gió lùa trực tiếp.

Với người có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường nên xin bác sĩ cấp thuốc tối thiểu 2 tháng một lần, để hạn chế đến bệnh viện thời điểm này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm