'Ông già sôcôla': Người Việt ăn sôcôla Việt

Chúng tôi gặp người đàn ông mang hai dòng máu Ấn-Việt vào một ngày mưa tầm tã. Cái dáng người nhỏ thó, nhăn nheo và đen sạm, nở nụ cười thật tươi bên hiên nhà ẩm ướt, ông Bùi Durassamy (265A, ấp Tây 2, xã Long Định, huyện Châu Thành, Tiền Giang) với khuôn mặt hiền hậu đến chân chất lạ thường, kể cho chúng tôi nghe về hành trình làm ra những thỏi sôcôla thuần Việt của mình.

"Ông già sôcôla" - Bùi Durassamy với hành trình làm ra thỏi sôcôla thuần Việt. Ảnh: NH 

“Tình yêu dành cho đất mẹ, chạm sâu vào trái tim tôi...”

“Sau hơn 42 năm ở nước ngoài, tôi trở về Việt Nam định dành thời gian còn lại của cuộc đời để nghỉ ngơi. Những lúc rành rỗi tôi hay đọc tin tức, thấy cảnh người dân ở đây đang loay hoay với bài toán trồng chặt - chặt trồng cây ca cao. Tôi thấy thương quá, tự nhiên có một thứ gì đó chạm mạnh và sâu vào trái tim tôi, hơn cả là tình yêu. Tôi đã tự hỏi mình: Tại sao tôi biết cách làm sôcôla mà tôi hổng làm, lại để người ngoại quốc làm ra những thỏi sôcôla trên chính loại quả ở quê hương mình. Sao tôi không biến ở Gò Công Tây, Chợ Gạo thành những thanh sôcôla để đời. Thế rồi tôi vùng dậy, quyết định mua ca cao về làm sôcôla Việt cho người Việt dùng”.

Đã ngót nghét ở cái tuổi 70 của cuộc đời nhưng đôi chân, trái tim và trí óc của ông chưa bao giờ là già cả. Người dân nơi đây quá quen với hình ảnh một ông già Việt kiều trông “cũ kỹ” bon bon trên chiếc xe Honda cũ rong ruổi ở cái đất Tiền Giang mua hạt ca cao về làm ra những thỏi kẹo màu đen, bởi vậy mà người ta hay gọi ông là “ông già sôcôla”.

Trang thiết bị để sản xuất sôcôla. Ảnh: NH

Phơi khô những hạt ca cao là một trong những công đoạn của quy trình sản xuất sôcôla. Ảnh: NH

Không một người thân thích tại Việt Nam, người thân ở nước ngoài lại phản đối dữ dội, ấy vậy mà cái dáng người nhỏ thó ấy vẫn một mình làm nên kỳ tích. Những ngày đầu thực hiện hóa ước mơ, ông tự nguyện gia nhập thành viên của Hợp tác xã Chợ Gạo. Và rồi những điểm thu mua hạt ca cao của người nông dân, dần dần được hoạt động hiệu quả trở lại. Cây ca cao Việt có thêm cơ hội để vươn xa ra thế giới. Đó là giá trị tinh thần cốt lõi mà ông Bùi Samy cùng các cộng sự của mình đang xây dựng, giúp cho cây ca cao có đầu ra ổn định hơn và người nông dân yên tâm trồng trọt một loại cây có giá trị kinh tế cao, một loại cây công nghiệp của thế giới.

Thành phẩm và đóng gói sôcôla. Ảnh: NH

Thật lạ kỳ, những trái ca cao màu sắc rực rỡ, vàng, đỏ hồng, hồng thẫm, xanh... với lớp thịt trắng ngọt lại chính là nguyên liệu làm nên những thỏi sôcôla đắng ngọt nhiều người mê. Mà theo ông: “Sôcôla ngon phải là loại truyền thống, bỏ vào miệng tự tan, thật mịn không còn lợn cợn và lấy tay bẻ phải nghe lách cách”.

“Đừng nói tôi khởi nghiệp, tôi chỉ làm để người Việt được ăn sôcôla Việt”

Từng học ĐH chuyên ngành chế biến thực phẩm và sở hữu công ty cơ khí, ông Samy nắm được cơ bản quy trình để biến ca cao thành sôcôla, bởi vậy cái ao ước ấy bỗng trở thành nguồn động lực vô tận cho ông.

Những ngày đầu thực hiện ý định không hề đơn giản với ông, đơn thân độc mã, tự mình làm hết tất thảy, từ thu mua hạt ca cao, tìm nguyên liệu chế biến cho tới mày mò chế tạo máy móc. Những khó khăn tưởng chừng như buộc ông bỏ cuộc khi đã bỏ ra số tiền khá lớn để thuê người chế tạo máy nhưng thất bại. Rồi khi bắt đầu sản xuất mẻ ca cao đầu tiên thì trời mưa tầm tã, hạt không thể lên men đạt chất lượng.

Thế rồi với vốn kiến thức của một thợ cơ khí lâu năm, ông Samy đành tự mày mò nghiên cứu nguyên lý của các loại máy sản xuất sôcôla, tự vẽ ra bản thiết kế, tìm đến các xưởng cơ khí, mua máy hoặc bộ phận về lắp ráp từ khắp nơi, chế tạo ra những chiếc máy sản xuất sôcôla của riêng mình. Theo chia sẻ của ông, phần lớn số máy móc trong xưởng sản xuất là do ông tự chế tạo.

“Tôi hổng nhớ phải mất bao nhiêu lần tháo ra lắp lại máy móc, kể cả đập đi vì bất lực, bao mẻ sôcôla thất bại. Chỉ riêng cái máy chuyên dụng để tách vỏ và hạt ca cao đã tiêu tốn hơn bốn tháng trời và bao tiền của, tôi điều chỉnh lượng gió hàng chục lần để làm sao cho vỏ không lẫn vào phần nhân. Nhưng mà tôi nhớ lắm, phải mất hai năm thì mẻ sôcôla hoàn chỉnh ra đời, tôi đã mang nó tận tay người dân trồng ca cao dùng thử” - ông Samy ngậm ngùi chia sẻ.

Thành quả về những chiếc máy trong dây chuyền sản xuất của ông đã được hội đồng đánh giá của một cơ quan nhà nước cấp giấy xác nhận ở tính nghiên cứu, hoàn thành công nghệ, thiết bị sản xuất sôcôla thành phẩm và bột ca cao quy mô công nghiệp tại Tiền Giang.

Quy trình sản xuất sôcôla của ông Bùi Durassamy. Ảnh: NH

Đã rất nhiều lần người đàn ông ngoài tuổi lục tuần ấy chán nản nhưng chính tình yêu với đất mẹ, với ước mơ đền ơn nơi đã nuôi dưỡng ông thành hình hài của một con người như hôm nay, kéo ông tiếp tục hành trình của mình trên con đường dài bất tận.

Ông rộng rãi nở nụ cười hiền trên gương mặt nhăn nheo đen sạm, lấy tay vỗ đen đét lên đùi mà nói rằng: “Trời, đừng nói tôi khởi nghiệp, tôi khởi nghiệp gì nữa ở cái tuổi này hả cô, tôi làm ra sôcôla là để người Việt được ăn đồ Việt, để thấy hàng chữ “Proudly made in Vietnam” được vinh danh. Thế thôi”.

Ông đặt cho những thỏi sôcôla mình làm ra với cái tên đầy ý nghĩa Kimmy’s chocolate. “Thương hiệu Kimmy’s là được đặt theo tên bà Kim Nguyệt, vợ tôi. Ở nước ngoài, chữ Nguyệt phát âm không rõ nên người ta thường gọi là bà Kim. Khi tôi về nước làm sôcôla, vợ tôi cũng là người phản đối nhiều nhất nên tôi muốn làm một điều gì đó để tặng cho vợ mình, coi như là món quà cho bà ấy lúc tuổi già”.

Phía trước hiên nhà máy, ông cho in quy trình của dây chuyền sản xuất sôcôla bằng cả hai thứ tiếng: Tiếng Việt và tiếng Anh. Không giấu nghề, ông dẫn chúng tôi vào tận nhà máy, mọi thứ sạch tinh tươm và ngăn nắp, giải thích cặn kẽ từng quy trình và tác dụng của sôcôla, từ bột thành phẩm cho tới bơ ca cao, đó là những kiến thức mà ông tích lũy được ở bao năm tháng sống trên đất người. Ông đưa cho chúng tôi nếm thử những thanh kẹo sôcôla không pha tạp thêm thứ gì ngoài đường và sữa, lại có vị chua chua của trái ca cao ban đầu.

Ông không ngần ngại giải thích: “Kimmy’s sản xuất theo hướng thủ công từ trái ca cao đến sôcôla. Không qua quá trình kiềm hóa sản phẩm, không sử dụng bất kỳ chất hóa học và hương liệu nhằm mục đích giữ lại những gì vốn có trong hạt ca cao. Chọn hướng đi thủ công cho sản phẩm nên những viên sôcôla Kimmy's luôn hiện hữu chút vị đắng, chút vị chua. Đó là hương vị vốn có của những hạt ca cao ngon nhất sau khi lên men”.

Chiều cuối tuần mưa ướt đẫm sân nhà, gió thổi bay phất phới những ngọn quốc kỳ được treo trịnh trọng của ba nước Việt Nam - Canada - Mỹ, “ông già sôcôla” ấy cùng người cộng sự thân thiết - anh Phạm Đình Ngãi vẫn miệt mài bên những mẻ kẹo mang tên “Kimmy’s chocolate” - made in VietNam.

Nhà máy được khánh thành từ tháng 1-2017 nhưng chỉ mới đây Kimmy’s chocolate mới được mọi người biết đến rộng rãi với bốn loại sản phẩm với tỉ lệ 75%, 65%, 55% và 45% tương ứng với các sản phẩm sôcôla đắng, sôcôla sữa và sôcôla có nhân… Cùng với đó là bột ca cao và bơ ca cao nguyên chất được đóng gói cẩn thận và ra mắt thị trường.

Anh Đình Ngãi, Phó Giám đốc Kimmy’s chocolate, cho biết: “Hiện nay hãng cũng đã mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Mới đây Kimmy’s đã liên hệ đầu ra tại các nước như Hàn Quốc và Đan Mạch. Hy vọng trong thời gian tới, với sự giúp đỡ của mọi người thì Kimmy’s chocolate sẽ đạt được những thành tựu đáng kể, như một cách hoàn thành giấc mơ của chú Samy”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm