Suýt mất mạng vì ăn đuông dừa

Theo thông tin báo Người lao động, ngày 7-9 vừa qua một người đàn ông 32 tuổi, ngụ tại huyện Long Hồ, Vĩnh Long vừa nhập bệnh viện cấp cứu trong tình trạng tím toàn thân, nổi mẩn khắp người, không đo được huyết áp sau khi ăn đuông dừa.

Tại BV đa Khoa Xuyên Á - Vĩnh Long, các bác sĩ khoa cấp cứu đã chuẩn đoán người này bị sốc phản vệ do ăn đuông dừa. Bệnh nhân đã được cấp cứu và chống sốc kịp thời.

Bệnh nhân bị sốc phản vệ sau khi ăn đuông dừa. Ảnh: BVCC

Theo các bác sĩ, đuông dừa là loại côn trùng họ bọ vòi voi, sinh sống ở các vùng nhiệt đới thuộc châu Á, thường sống ở thân cây dừa, cây cau, cây chà là... Ấu trùng này thường được xem là món ăn đặc sản và khoái khẩu, chúng có giá trị dinh dưỡng cao, nhất là hàm lượng đạm. Cứ 100 gram đuông dừa cung cấp 13 gram protein, canxi, muối khoáng…

Tuy nhiên, cũng theo các bác sĩ, trong đuông dừa có chứa chất gây dị ứng. Bên cạnh đó, một số bào tử nấm độc từ môi trường bên ngoài có thể nhiễm vào đuông dừa. Các bào tử này trở thành nấm có độc tính cao khi vào cơ thể con người.

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho biết bản thân nhộng tằm, sâu dâu, đuông dừa lành, không chứa độc tố.

Trên thực tế rất nhiều trường hợp bị ngộ độc, thậm chí mất mạng vì côn trùng. Nhưng theo PGS-TS Thịnh, nguyên nhân từ bên ngoài, chứ không phải do bản thân con nhộng.

“Trong côn trùng có chứa một số chất gây dị ứng, vì vậy những người có cơ địa không hợp với một chất nào đó có trong ấu trùng này rất dễ bị dị ứng hoặc ngộ độc. Trường hợp khác, có thể người tiêu dùng ăn phải loại côn trùng bị chết, bởi bất kỳ động vật nào chết cũng tiết ra những chất có thể gây độc” - vị chuyên gia cho hay.

Ngoài ra, ông cũng thông tin thêm, người sử dụng có thể bị ngộ độc hóa chất ngâm các loại côn trùng này với mục đích bảo quản hoặc làm chúng đẹp mắt…

Đuông dừa được bán tràn lan ở các con đường tại TP.HCM. Ảnh: NGUYÊN HÀ

Để tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm khi ăn đuông dừa nói riêng, côn trùng nói chung, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng các loại thực phẩm đã chết hoặc không rõ nguồn gốc, côn trùng lạ, chưa từng ăn. Những người có cơ địa dễ dị ứng với côn trùng cần thận trọng khi thưởng thức.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, khi bị ngộ độc côn trùng, nếu còn tỉnh táo, chúng ta cần tự gây nôn. Trường hợp nặng hoặc hôn mê cần để bệnh nhân nằm nghiêng sang bên phải và hô hấp nhân tạo đối với người bị khó thở và thở yếu. Sau khi sơ cứu, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới các trung tâm y tế để được điều trị kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm