Tử vong vì ăn lạc mốc

Theo Sohu, vào giữa tháng 8 vừa qua, một cặp vợ chồng sống ở TP Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã nhập bệnh viện cấp cứu tại BV Chữ thập đỏ trong tình trạng sốc, hạ huyết áp… Sau một ngày điều trị, người vợ đã không qua khỏi.

Theo thông tin ban đầu, người chồng tên là Hu, 44 tuổi cho biết trong đêm hôm trước vợ chồng anh đã ăn lạc dù đã bị mốc chút ít nhưng do tiếc tiền nên họ đã ăn hết số lạc ấy.

Qua thăm khám, các bác sĩ của bệnh viện chẩn đoán anh Hu đã bị ngộ độc thực phẩm, tuy vẫn chưa chắc chắn về nguồn gây ngộ độc nhưng theo các bác sĩ thì khả năng vợ chồng anh Hu nhập bệnh viện trong tình trạng nguy kịch do ăn nhiều lạc mốc.

Theo bác sĩ, trong lạc mốc có thể chứa aflatoxin, là một chất cực độc. Độc tính của aflatoxin cao gấp 68 lần so với thạch tín và 10 lần so với kali xyanua, phá hủy mô gan nghiêm trọng. "Chỉ 1 mg aflatoxin cũng đủ để gây ung thư, 20 mg đủ để gây tử vong. Aflatoxin chính là một sát thủ giấu mặt mà nhiều người không thể ngờ tới" - bác sĩ nói.

Trong lạc mốc có thể chứa aflatoxin, là một chất cực độc, chỉ 20 mg cũng đủ để gây tử vong cho người dùng. Ảnh: Dailymail

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia (Việt Nam), độc tố aflatoxin rất khó bị phân hủy bởi nhiệt độ cao hay hóa chất, không những thế nó còn có thể tích lũy trong cơ thể người và động vật. Người ta đã thấy lạc rang ở nhiệt độ 150 độ C, các bào tử nấm đều bị diệt nhưng độc tố của chúng không bị phá hủy hoàn toàn, vì vậy ăn vào vẫn nguy hiểm. Một số người có thói quen tiếc rẻ những thực phẩm bị chớm mốc vẫn dùng làm thức ăn hãy coi chừng.

Người ta ước tính có khoảng gần 40% số loài nấm mốc đã được biết đến có thể sản sinh ra độc tố, tuy khác nhau nhưng ít nhiều đều nguy hiểm cho sức khỏe con người. Các độc tố nấm đều độc, mức độ độc của chúng cũng khác nhau, vì vậy khi xâm nhập vào cơ thể chúng gây bệnh không giống nhau.

Với những loại ít độc hoặc một liều lượng nhỏ độc tố nấm chỉ gây ngộ độc nhẹ, người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, choáng váng… Những độc tố vi nấm tích lũy dần trong cơ thể lâu dần dẫn đến bệnh hiểm nghèo nguy hiểm như ung thư gan do aflatoxin, suy thận do ochratoxin, ung thư buồng trứng do fumonisins…

Viện Dinh dưỡng cũng lưu ý người tiêu dùng, khi nhận thấy hình dạng, màu sắc, mùi vị của thực phẩm bị biến dạng (so với đặc trưng của thực phẩm) hoặc nghi ngờ thực phẩm không đảm bảo an toàn thì cần vứt bỏ.

Để ngăn ngừa tình trạng ngộ độc do ăn phải độc tố của vi nấm, cần áp dụng các biện pháp đề phòng như:

- Không mua và sử dụng các loại lương thực, thực phẩm đã bị mốc như lạc, đậu nành, gạo, ngô, bánh ngọt, mứt...

- Không được đãi, rửa các lương thực, thực phẩm đã bị mốc để sử dụng trở lại vì độc tố sẽ còn lại bên trong.

Khi sử dụng thực phẩm có biểu hiện của nhiễm độc, ngộ độc thức ăn hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thì nhất thiết phải đình chỉ việc sử dụng thức ăn đó và giữ toàn bộ thức ăn thừa, chất nôn, phân, nước tiểu… để gửi đi xét nghiệm, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để điều tra, xác minh và kịp thời tổ chức cấp cứu người ngộ độc.

Xử trí cấp cứu trước tiên là phải làm cho người bị ngộ độc nôn ra hết chất đã ăn vào, ngăn cản sự hấp thu của ruột với chất độc, phá hủy độc tính đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm