Ấn tượng 2011

Vốn dĩ Quốc hội, với tư cách là cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước, là chủ thể kiến tạo nên xương sống cho cơ thể xã hội: pháp luật.

Hoạt động lập pháp mà các đại biểu Quốc hội phải thực hiện đòi hỏi không chỉ sự tận tâm của một đại biểu mà quan trọng hơn cả là tư duy pháp luật dựa trên những chuẩn mực pháp lý và kỹ năng kết nối nhuần nhuyễn giữa các quy định pháp luật với các vấn đề, đối tượng mà nó điều chỉnh.

Luật Nhà văn, cũng như nhiều văn bản pháp luật, quy định pháp luật khác đã hoàn toàn lạc lõng và vô duyên trong một lô các vấn đề dân sinh cấp bách cần giải quyết hoặc không phù hợp với thực tiễn để giải quyết được một cách hiệu quả.

Ông Hồng có thể không biết vì sao cần có Luật nhà văn. Còn cử tri thì hy vọng hiện tượng “làm văn tập thể” ở Quốc hội sẽ sớm chấm dứt để không còn những “luật nhà văn”, “nhà thơ” nào gặm nhấm ngân sách và sự tín nhiệm của nhân dân nữa.

“Tôi cũng không biết vì sao cần có Luật Nhà văn” - ĐBQH Nguyễn Minh Hồng

Năm 2011 chứng kiến vấn đề độc quyền của các tập đoàn nhà nước tiếp tục tạo nên những va chạm lớn trong xã hội. Giá điện và xăng đã tăng hai lần trong 12 tháng qua.

Sự tù mù mà các doanh nghiệp này tung ra thị trường khiến cho thông tin lỗ lãi nhập nhằng của Petrolimex trở thành đề tài cho những câu chuyện cười.

Thêm vào đó mức lương quá cao mà cán bộ, nhân viên EVN được hưởng không khỏi khiến cả xã hội phải kinh ngạc.

Được nuôi dưỡng bằng bầu sữa ngân sách và được cưng chiều trong chiếc nôi độc quyền, các doanh nghiệp này không thiết tha với câu chuyện minh bạch và chỉ một mực kêu lỗ. Những va chạm của họ không chỉ dừng lại ở người tiêu dùng mà còn diễn ra trên thượng tầng kiến trúc, với phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ: “Nếu doanh nghiệp nào không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước”.

Cho đến nay, không biết đã có ai dọa được Nhà nước chưa nhưng các doanh nghiệp độc quyền này vẫn đang chơi theo luật của họ. Hình như chuyện “giải tán” thậm chí còn chẳng có trên… lý thuyết.

“Nếu không làm được, chúng tôi sẵn sàng cho giải tán” - Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ

Bức tranh năm 2011 không ghi nhận đường nét đặc biệt nào về giáo dục, đúng như mong muốn “không tạo dấu ấn cá nhân” của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khi ông mới nhậm chức.

Nhưng trong khi cố gắng tỏ ra bình thường, ông đã gộp chung hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học vào khái niệm “bình thường” của ông.

Đó không còn là sự bất bình thường nữa, mà là sự kỳ dị cao cấp khi người ta lấp liếm mọi sự mục ruỗng của nền giáo dục bằng ánh sáng của những bản báo cáo thành tích.

Miếng bánh lớn nhất của ngân sách hằng năm được phân bổ về cho ngành giáo dục, nếu để mua về hàng ngàn “trứng ngỗng” như vậy e là quá đắt.

Năm 2012 sẽ không mang tới cho Bộ trưởng Luận sắc màu tươi sáng nào, nếu ông không tự nâng cấp khái niệm “bình thường” của mình.

“Hàng ngàn điểm 0 là bình thường” - Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm