Chiều 25-5, đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò đã thương tiếc tiễn biệt Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân, BS Đoàn Thúy Ba. Bà đã trút hơi thở cuối cùng vào 5 giờ 30 phút ngày 25-5, hưởng thọ 93 tuổi.
BS Thúy Ba tên thật là Đoàn Hồng Hoa, quê ở xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre. Sinh thời, bà đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân và giữ chức vụ cao nhất là Thứ trưởng Bộ Y tế.
Năm 1954, bà tập kết ra Bắc. Vừa làm việc, vừa học, bà tốt nghiệp, trở thành bác sĩ vào ngày 2-9-1962. Được sự đồng ý của BS Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế, bà đã không quản gian khó vượt Trường Sơn về miền Nam sau 6 tháng băng rừng, lội suối.
|
BS Đoàn Thúy Ba (bìa phải) và các đồng nghiệp khi bà đang công tác tại BV. Hoàng Lê Kha (Tây Ninh). Ảnh: Báo Sức khỏe và đời sống |
Tại Trung ương Cục miền Nam, BS Thúy Ba được giao nhiệm vụ phục vụ cho các cán bộ làm việc tại Trung ương Cục, trong thời gian này, bà cũng đã theo đoàn cán bộ của Trung ương Cục xuống đồng bằng để củng cố tổ chức chống giặc, mở các lớp huấn luyện về y tế, khám sức khỏe, chữa bệnh cho dân, vận động vệ sinh phòng bệnh.
Cuộc đời BS Thúy Ba trải qua nhiều mất mát khi sinh đứa con đầu lòng được 2 tháng thì chồng khi đó là đại đội trưởng Vệ quốc đoàn hy sinh trong một trận chống càn. Giữa năm 1965, BS Thúy Ba nhận được tin cha mình bị Mỹ sát hại. Gạt nước mắt của nỗi niềm riêng, bà trở về khu căn cứ Trung ương Cục ở Tây Ninh và nhận nhiệm vụ phụ trách BV Hoàng Lê Kha, thời ấy BV này chuyên phục vụ cán bộ trung cao cấp.
Ước tính, trong thời gian này, BV Hoàng Lê Kha đã nhận điều trị cho hơn 1.500 bệnh nhân và cán bộ với tỉ lệ tử vong rất thấp. Hay tin chiến trường miền Nam có một bệnh viện như thế, các nhà báo nước ngoài đã tìm đến thăm và thực hiện phóng sự trong sự ngưỡng mộ về bệnh viện đặc biệt của vùng giải phóng.
|
Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương thăm hỏi sức khỏe bà Đoàn Thúy Ba, Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, tháng 2-2020. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN |
Sau hiệp định Paris (1973), bà được đưa ra Bắc chữa bệnh và được Bộ Y tế cử đi bổ túc chuyên môn ở BV Bạch Mai. Sau ngày thống nhất đất nước, bà về lại TP.HCM công tác ở BV Vì Dân (nay là BV Thống Nhất) một thời gian, được Bộ Y tế cử đi tu nghiệp ở Hà Lan. Về nước, bà được phân công làm Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy. Trong thời gian này, bà đã có những sáng tạo trong công tác quản lý giúp nâng cao đời sống công nhân viên, góp phần làm cho BV sạch đẹp hơn, bệnh nhân cũng được chăm sóc tốt hơn.
Tháng 12-1985, BS Đoàn Thúy Ba được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Năm 1985, bà giữ vị trí Thứ trưởng Bộ Y tế, thường trực phía Nam, là Ủy viên Ban Chỉ đạo chương trình lớn của Nhà nước, phụ trách y tế các ngành cao su, dầu khí, thủy điện, vùng lúa đồng bằng sông Cửu Long. Được tôi luyện, trưởng thành từ kháng chiến nên bà làm việc không nề hà khó khăn, vất vả.
Mặc áo bà ba, khăn rằn quàng cổ, xông pha mọi nơi là hình ảnh quen thuộc của bà trong mắt mọi người.
Cũng trong thời gian làm Thứ trưởng Bộ Y tế, cùng với ban chỉ đạo chương trình, BS Đoàn Thúy Ba đã nhanh chóng xây dựng các cụm dân cư, thành lập các trạm y tế, BV nhằm phục vụ nhân dân mở rộng khai thác các vùng hoang hóa để tăng sản lượng lúa theo nghị quyết của Chính phủ. Bà đã đề xuất xây dựng Trung tâm Nuôi trồng và Phát triển Dược liệu với 2.000 ha cây tràm gió. Bà cũng là người đề xuất và bảo vệ chương trình kết hợp quân dân y trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu đem lại nhiều hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt có tác dụng khi xảy ra thiên tai thảm họa và bảo vệ an ninh quốc phòng ở vùng biên giới và hải đảo.
Với những cống hiến không mệt mỏi, bà được Nhà nước phong danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân năm 1997 và danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2000.