Ảnh vệ tinh mới chụp đá Xu Bi

Trang tin Rappler (Philippines) ngày 27-7 đưa tin Công ty DigitalGlobe (Mỹ) đã công bố hình ảnh vệ tinh mới chụp ngày 18-7 trên đá Xu Bi.

Nhà phân tích Victor Robert Lee nhận xét hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị thi công đường băng. Một đoạn bên phải của đá Xu Bi rộng 250 m đã được san lấp cát có thể được dùng làm đường băng dài hơn 3 km.

Trong ảnh có hai tàu cuốc, trong đó có một tàu cuốc nối với ống hút khai thác cát. Trước đó, ảnh chụp hôm 5-6 cho thấy có đến 14 tàu cuốc. Dù vậy, theo ảnh ngày 18-7 thì có 54 tàu tiếp tế lớn có mặt so với 38 tàu vào ngày 5-6.

Nhà phân tích Victor Robert Lee ghi nhận như vậy có thể suy luận Trung Quốc đã tạm dừng bồi đắp trên đá Xu Bi, trừ công đoạn mở rộng ở phía Bắc nhưng lại tăng cường xây dựng.

Trong khi đó, Reuters đưa tin Trung Quốc đã tiến thêm một bước trong yêu sách chủ quyền ở biển Đông.

Ảnh vệ tinh chụp đá Xu Bi ngày 18-7. Ảnh: VICTOR ROBERT LEE/ DIGITALGLOBE

Reuters dẫn nguồn từ báo China Daily (Trung Quốc) cho biết Trung Quốc dự kiến trước cuối năm nay sẽ đưa tàu du lịch thứ hai đến một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong đó có đảo Phú Lâm Trung Quốc đã chiếm đóng từ năm 1956.

Trước đó, ngày 6-4-2012, tàu du lịch Coconut Princess của Công ty cổ phần vận tải biển Hải Hiệp Hải Nam đã bắt đầu thử nghiệm tuyến du lịch từ Tam Á (Hải Nam) đến đảo Đá Bắc (quần đảo Hoàng Sa).

Sau đó, ngày 9-4-2012, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã khẳng định: “Hoạt động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10-2011, đi ngược tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông ký năm 2002, làm cho tình hình biển Đông thêm phức tạp”.

Tại Indonesia, trả lời phỏng vấn báo The Straits Times (Singapore) ở Jakarta hôm 26-7, Tổng thống Joko Widodo nhận định: Đã đến lúc thảo luận chi tiết về một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông.

Ông nói Indonesia không phải là một bên tranh chấp trên biển Đông, tuy nhiên Indonesia cho rằng cần thiết phải duy trì hòa bình và ổn định để bảo đảm khu vực phát triển thịnh vượng.

Ông Rizal Sukma, cố vấn chính sách đối ngoại của tổng thống Indonesia, nhận xét với tư cách là cường quốc biển với hơn 17.000 đảo trên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Indonesia được xem là điểm tựa hàng hải quan trọng trong công cuộc duy trì môi trường biển hòa bình và an ninh.

Phát biểu trên đài truyền hình Mỹ CNN ngày 26-7, nguyên Thủ tướng Úc Kevin Rudd khẳng định nỗi lo ngại xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề biển Đông ít có khả năng xảy ra. Ông phân tích về phía Trung Quốc, Trung Quốc đang tập trung vào mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế và biết rõ nếu phát động xung đột với Mỹ thì khó có khả năng chiến thắng. Về phía Mỹ, Mỹ không có lợi ích riêng biệt nào khi gây chiến ở châu Á. Ông Kevin Rudd hiện là chủ tịch Viện Nghiên cứu chính sách xã hội châu Á có trụ sở tại New York.

_______________________________________

Khi tôi trò chuyện với các nhà lãnh đạo trong khu vực như Thủ tướng Lý Hiển Long, Thủ tướng Najib Razak (Malaysia) hay Chủ tịch Tập Cận Bình, tôi luôn nói ổn định là vấn đề hết sức quan trọng… Không có ổn định sẽ rất khó để tăng trưởng kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng.

Tổng thống Indonesia JOKO WIDODO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới