Theo ông Vũ, trong bản hợp đồng ký với LĐBĐ VN, AVG cam kết không nhận lợi nhuận mà dành tất cả cho các hoạt động phát triển bóng đá Việt Nam, sau khi trừ chi phí mua bản quyền truyền hình. Trong đó, AVG đã dành 30% cho quỹ hỗ trợ VĐV, còn lại 20% cho tổ chức LĐBĐ VN, 20% cho thể thao thành tích cao, 20% cho thể thao quần chúng, 10% cho các dự án nghiên cứu phát triển. Cụ thể về các nguồn thu từ bản quyền truyền hình, AVG sẽ công khai với VPF vào sáng nay.
Ông Vũ tiết lộ nguồn thu của AVG gồm tiền bản quyền từ các đài truyền hình (tự sản xuất), sản phẩm định hình (sóng sạch), sản phẩm hoàn chỉnh (có quảng cáo) nhưng hiện tại vẫn đang miễn phí cho các nhà đài. Ông dẫn chứng ở vòng đấu thứ sáu vừa qua có hơn 40 đài truyền hình trên cả nước phát sóng trực tiếp các trận đấu. Ông chủ tịch tính toán AVG đang ôm lỗ khi chi phí sản xuất một trận đấu từ 100 đến 150 triệu đồng nhưng bán lại cho VTV hay VTC chỉ với giá 30 triệu đồng. Ông Vũ nói thêm: “Nếu nhà đài nào muốn phát sản phẩm đã được sản xuất hoàn chỉnh thì AVG sẽ cho không. Hoặc đài nào tự sản xuất được cũng mua với giá không cao nhưng họ không muốn truyền thì thôi”.
Về “cuộc chiến” với VPF, ông Vũ cho rằng AVG luôn tuân thủ các quy định của pháp luật nhưng VPF đề nghị hủy hợp đồng: “VPF có nhiều hành động không tôn trọng AVG và bắt buộc chúng tôi phải dùng các biện pháp mạnh để bảo vệ mình, bảo vệ quyền lợi của giới hâm mộ bóng đá Việt Nam”.
THẢO ANH