Bà Rịa-Vũng Tàu thu hồi, hủy bỏ các quyết định hỗ trợ hơn 34 tỉ đồng cho 5 chủ tàu cá

(PLO)- 5 chủ tàu cá đang là các bị can đang bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến số tiền trên.

Vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông tin, tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ 5 quyết định phê duyệt hỗ trợ một lần sau đầu tư theo Nghị định 17/2018 (sửa đổi bổ sung Nghị định 67/2014 quy định về một số chính sách phát triển thủy sản đối với 5 chủ tàu cá (ngụ xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc). Tổng số tiền 5 chủ tàu này được chi hỗ trợ là hơn 34 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu của PLO, 5 chủ tàu trên hiện là 5 bị can đang bị tạm giam, truy tố, chuẩn bị đưa ra xét xử tiếp về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Số tiền chiếm đoạt chính là số tiền hỗ trợ một lần sau đầu tư theo Nghị định 17/2018 mà các chủ tàu cá nhận được sau khi có các quyết định phê duyệt hỗ trợ như nêu trên của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tàu chưa đóng xong đã có hồ sơ hoàn thiện xin hỗ trợ

Lý do thu hồi, hủy bỏ là do Sở NN&PTNT có sai sót trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị và tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ một lần sau đầu tư theo Nghị định 17/2018 cho 5 chủ tàu cá.

5 chủ tàu cá trên gồm Trần Văn Tài (trú ấp Bình Hòa), mức chi hỗ trợ với số tiền là hơn 6,5 tỉ đồng; Nguyễn Văn Hiếu (trú ấp Thanh Bình 3), mức chi hỗ trợ là hơn 6,5 tỉ đồng; Nguyễn Văn Sang (trú ấp Bình Hòa), mức chi hỗ trợ là hơn 6,5 tỉ đồng; Đặng Thế Hùng (trú ấp Thanh Bình 1), mức chi hỗ trợ là hơn 7,5 tỉ đồng; Nguyễn Văn Hùng (trú ấp Bình Hòa), mức chi hỗ trợ là hơn 7,5 tỉ đồng.

Theo đó, tháng 2-2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 17 để sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2014 quy định một số chính sách phát triển thủy sản. Cụ thể, Nhà nước chi hỗ trợ một lần sau đầu tư 35% giá trị đóng mới cho các chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt, thời gian thực hiện quy định từ 25-3-2018 đến 31-12-2020.

Tháng 7-2018, UBND tỉnh ban hành các quyết định phê duyệt các chủ tàu gồm Tài, Hiếu, Sang, Văn Hùng, Thế Hùng đủ điều kiện đóng mới tàu cá để được hỗ trợ theo Nghị định 17/2018.

Các bị cáo trong đó có các chủ tàu cá tại phiên tòa xử hồi tháng 1-2024. Ảnh: TK

Do không có tiền đóng tàu nên Tài, Hiếu và Sang liên hệ với Nguyễn Thanh Tú (giám đốc Công ty đóng tàu Thanh Tú, TP.HCM) và Công ty TNHH đóng tàu Vĩnh Khương, Khánh Hòa để được giới thiệu với Lê Minh Xuân (giám đốc một công ty đóng tàu tại Vũng Tàu) và một công ty ở Quảng Nam để đầu tư. Các bên đã thỏa thuận cùng đầu tư đóng 2 tàu composite cho Tài, Hiếu tại Công ty Thanh Tú và một tàu cho Sang tại Công ty Vĩnh Khương để được hỗ trợ một lần sau đầu tư.

Các chủ tàu Văn Hùng và Thế Hùng khi biết Xuân thỏa thuận đóng tàu cho 3 người kia thì cũng liên hệ nhờ Xuân đầu tư đóng 2 tàu vỏ thép tại Chi nhánh Công ty CP Đóng tàu Đại Phú Thành (Vĩnh Long) do Nguyễn Thanh Toàn làm giám đốc, theo phương thức Xuân đầu tư trọn gói.

Với các phương thức đầu tư trên, qua điều tra xác định mặc dù cả 5 tàu đều thi công chưa hoàn thiện, nhiều hệ thống trên tàu chưa lắp đặt đầy đủ nhưng vẫn được Trung tâm Đăng kiểm tàu cá cấp giấy tờ đăng kiểm và giấy tờ pháp lý sai quy định; hồ sơ đề nghị cấp giấy tờ pháp lý tàu cá và chi hỗ trợ theo Nghị định 17/2018 còn thiếu nhiều tài liệu quan trọng, nhiều hợp đồng và hóa đơn GTGT bị nâng khống...

Dù vậy, hồ sơ vẫn được Chi cục Thủy sản và Sở NN&PTNT tiếp nhận, giải quyết trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt chi hỗ trợ một lần sau đầu tư theo Nghị định 17/2018 sau quy định. Các chủ tàu đã được giải ngân, nhận tiền dẫn đến ngân sách Nhà nước bị chiếm đoạt số tiền hơn 34 tỉ đồng như nêu trên.

Vụ án đang chờ đưa ra xét xử lại

Tháng 7-2022, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Xuân cùng 5 chủ tàu cá về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhóm các bị cáo khác là Nguyễn Đức Hoàng, Đinh Cao Thượng (Chi cục Thủy sản); Đào Hồng Đức, Nguyễn Vũ Hà, Nguyễn Quốc Công (Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, Cục Thủy sản Bộ NN&PTNT) bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (hiện đổi tội danh sang tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ - PV). Ngoài ra, ông Trần Văn Cường (nguyên giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong quá trình điều tra, các bị can đã nộp toàn bộ số tiền đã chiếm hưởng trong vụ án để khắc phục hậu quả. Toàn bộ số tiền bị chiếm đoạt đã được thu hồi, khắc phục xong.

Vụ án từng được đưa ra xét xử nhưng sau đó hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung. Cơ quan ANĐT cũng đã khởi tố thêm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Nguyễn Thanh Toàn (giám đốc công ty đóng tàu).

Tháng 7-2024, sau khi có kết luận điều tra bổ sung, VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cáo trạng mới chuyển hồ sơ qua TAND cùng cấp để lên lịch xét xử vụ án...

Theo cáo trạng bổ sung, các cá nhân tại Văn phòng, Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm thẩm tra và giải quyết hồ sơ, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ký 5 quyết định phê duyệt hỗ trợ chủ tàu cá theo tờ trình của Sở NN&PTNT nhưng không có chứng cứ xác định họ có động cơ cá nhân hay mục đích vụ lợi trong thi hành công vụ. Trong các quyết định đều giao thẩm quyền cho các cơ quan chuyên môn, trong đó có Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản, huyện Xuyên Mộc... chịu trách nhiệm thẩm định, xét duyệt đúng đối tượng nhận hỗ trợ.

Riêng Chủ tịch UBND tỉnh trong các quyết định đã giao trách nhiệm rõ ràng và cụ thể cho các cơ quan quản lý Nhà nước (Sở NN&PTNT, Sở Tài Chính, UBND huyện Xuyên Mộc, Chi cục Thủy sản...) phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát chủ tàu đóng mới tàu cá chủ trì, phối hợp tổ chức thẩm định hỗ trợ sau đầu tư và hoàn tất hồ sơ đề nghị hỗ trợ sau đầu tư và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, hồ sơ hỗ trợ.

Kết quả điều tra không có chứng cứ xác định Chủ tịch UBND tỉnh có động cơ cá nhân hay mục đích vụ lợi trong thi hành công vụ nên CQĐT xác định không có căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự/hành chính là có cơ sở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới