Bác bỏ tin đồn "mây phóng xạ, mưa axit"

Xuất hiện sau khi có thêm vụ hỏa hoạn tại lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima, tin đồn về "mưa axit" lan truyền trên điện thoại và công cụ chat của Yahoo sáng nay gây xôn xao cộng đồng mạng.

Vừa ăn trưa xong, nhận được điện thoại của vợ nhắc đón con sớm, vì "nghe nói chiều tối sẽ có mây phóng xạ, mưa axit", anh Thắng, trưởng phòng một công ty về viễn thông ở Hà Nội, đến trường đón con ngay.

"Thật ra, từ buổi sáng, mình đã nhận được những tin nhắn từ Yahoo Messenger cảnh báo về điều này, nhưng không tin. Sau, thấy nhiều người nói quá, mình mới nghĩ đến con".

Không chỉ các vị phụ huynh, tại một số trường học, các thầy cô giáo cũng lo ngại. Một giáo viên trường quốc tế Dream House (Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, từ trưa nay, Ban An toàn học sinh tại trường đã yêu cầu các bé không ra ngoài khi trời mưa. Tiết tập thể dục ngoài trời cũng được thay bằng buổi sinh hoạt trong lớp.

"Vì không muốn làm các em sợ, chúng tôi chỉ khéo léo nhắc nhở và chủ động ngăn học sinh không ra ngoài trời, chứ không dám nói với các em lý do", đại diện này cho biết.

Trong khi đó, giám đốc công ty máy tính và thiết bị siêu thị Bảo An (Thái Hà, Hà Nội) - Phan Đình Sơn - sau khi nhận được tin nhắn từ bạn bè đã cho cả công ty nghỉ việc sớm hơn giờ "dự báo" có nguy hiểm.

Trước những thông tin này, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương khẳng định đây là tin đồn thất thiệt.

"Không có một cơn gió nào có thể đưa bụi phóng xạ từ Nhật Bản thổi đến Việt Nam, cũng như không có gió thổi từ Nhật Bản đến Trung Quốc sau đó ảnh hưởng đến nước ta mà chỉ có gió từ Việt Nam thổi đến Nhật Bản. Vì thế, những cơn mưa hiện nay là do ảnh hưởng của gió mùa, không phải là mưa axít, không chứa phóng xạ".

Theo các nghiên cứu thì bụi phóng xạ sau vụ nổ ở nhà máy điện nguyên tử Chernobyl của Nga năm 1986 cũng bị thổi đến Việt Nam. Tuy nhiên, ông Hải cho biết, căn cứ vào hướng gió thì gió có thể thổi từ Nga sang Việt Nam, chứ không có gió thổi từ Nhật Bản sang nước ta.

Trong khi đó, đại diện Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt khẳng định thông tin trên là thiếu hiểu biết và hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

“Mưa axit do hiệu ứng nhà kính từ khí thải của các nhà máy công nghiệp gây nên. Việc các nhà máy điện hạt nhân có mặt là để ngăn hiện tượng này. Chính vì thế nói việc nổ nhà máy điện hạt nhân mà sinh ra mưa axit là hoàn toàn sai”, đại diện Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nói.

Khi một nhà máy điện hạt nhân có sự cố nổ, sẽ giải phóng khí phóng xạ ra ngoài. Chất này có hại đến sức khỏe. Tuy nhiên cũng theo vị đại diện Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, viện này đã liên tục theo dõi nhưng chưa thấy có hiện tượng ảnh hưởng khí phóng xạ ở Việt Nam.

“Hiện tại, lượng khí phóng xạ từ các vụ nổ ở Nhật vẫn ở mức thấp và Việt Nam lại ở rất xa nên chưa ảnh hưởng. Tất nhiên chúng tôi vẫn liên tục theo dõi”, ông này nói.

Ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử cũng cho biết: "Hiện chưa có vấn đề gì. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ vẫn tiếp theo dõi thông tin từ thế giới cũng như theo dõi sự thay đổi trong môi trường. Nếu có phóng xạ thì sẽ kịp thời cảnh báo đến người dân.

Trong khi một số người ở Việt Nam (cách xa Nhật Bản hàng nghìn km) xôn xao lo lắng, thì người dân tại chính quốc gia gặp thảm họa này vẫn đang bình tĩnh, kiên trì đi tìm người thân hay trật tự chờ đợi đến lượt được nhận nhu yếu phẩm. Không có sự hoảng sợ, hoang mang dây chuyền.

Hiện một số chuyên gia thế giới nhận định khả năng sự kiện giống như thảm họa Chernobyl xảy ra là rất thấp.

Tại Nhật Bản, nỗi lo phóng xạ đang tăng lên sau khi 4 trong số 6 lò phản ứng của Nhà máy điện Fukushima I gặp sự cố cháy, nổ, bản tin mới nhất của BBC cho biết.

"Giờ đây chúng ta đang nói về mức phóng xạ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người", Bộ trưởng Bộ Nội vụ Yukio Edano cho biết. Ông cũng nhấn mạnh rằng mức phóng xạ này là đo được tại nhà máy, và "càng đi xa khỏi nhà máy hoặc lò phản ứng, nồng độ càng giảm xuống".

Hiện Nhật Bản đã sơ tán toàn bộ người dân ra khỏi vùng bán kính 20 km cách xa nhà máy nói trên, và những người đang sống trong bán kính từ 20 đến 30 km được yêu cầu ở yên trong nhà.

Hàm lượng phóng xạ tại Tokyo (cách nhà máy 240 km về phía nam) hiện đã cao hơn bình thường (gấp khoảng 40 lần), nhưng các quan chức cho biết mức này không gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Theo Minh Thùy - Nam Phương - Thiên Chương ( VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới