Bác đề xuất lao động được làm thêm đến 72 giờ/tháng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 23-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng xem xét thông qua nghị quyết về thời gian làm thêm trong một tháng và trong một năm của người lao động (NLĐ).

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất nâng số giờ làm thêm trong một tháng của NLĐ từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ; số giờ làm thêm trong một năm của NLĐ là không quá 300 giờ và được áp dụng cho tất cả ngành nghề, công việc.

Theo quy định hiện hành, số giờ làm thêm trong một tháng không quá 40 giờ; số giờ làm thêm trong năm không quá 200 giờ. Một số ngành nghề như dệt may, da, giày, chế biến thủy hải sản… được làm thêm từ trên 200 giờ đến không quá 300 giờ.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị người lao động được làm thêm 72 giờ/tháng nhưng không được chấp nhận. nh: Đ.MINH

Thẩm tra về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết Thường trực Ủy ban Xã hội đồng tình về việc tăng số giờ làm thêm tối đa trong năm lên 300 giờ nhưng không áp dụng với NLĐ từ 15 đến dưới 18 tuổi, người khuyết tật, phụ nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ, người làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...

Tuy nhiên, bà Thúy Anh cho biết Thường trực Ủy ban Xã hội không đồng tình với mức 72 giờ/tháng theo đề xuất của Chính phủ.

Cơ quan thẩm tra đề nghị chỉ nên nâng lên mức tối đa 60 giờ/tháng. Đây cũng là ý kiến được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn. Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị thực hiện theo đề xuất của Chính phủ.

Cũng theo bà Thúy Anh, do còn ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban Xã hội đã xin ý kiến thành viên UBTVQH về hai phương án này. Kết quả, 13/18 thành viên UBTVQH tán thành phương án 60 giờ/tháng.

Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết Chính phủ đề nghị phương án 72 giờ, bởi đây là đòi hỏi khách quan của doanh nghiệp và của chính NLĐ.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho hay bản thân ông chưa nhận được bất cứ đề xuất nào của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề về việc tăng giờ làm để giải quyết các đơn hàng.

Đánh giá đây là quyết sách lớn có tác động nhiều mặt, UBTVQH chỉ được QH ủy quyền để quyết định vấn đề này trong điều kiện cấp bách, dịch bệnh, ông Huệ đề nghị các thành viên UBTVQH cần cân nhắc kỹ lưỡng trên quan điểm hài hòa lợi ích giữa các bên.

Cuối phiên họp, 100% thành viên UBTVQH có mặt nhất trí thông qua nghị quyết với quy định người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì được sử dụng NLĐ làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ/năm, trừ một số trường hợp quy định tại nghị quyết này.

Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng NLĐ làm thêm tối đa 300 giờ/năm có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì được sử dụng NLĐ làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ/tháng.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4. Riêng quy định về số giờ làm thêm trong một năm có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm