Bác kháng cáo kêu oan, tòa có nên giảm án?

Tuy nhiên gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều phiên xử mà tòa bác kháng cáo kêu oan nhưng vẫn giảm án cho bị cáo nếu xét thấy có tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mức án của cấp sơ thẩm có phần nặng tay…

Đúng là thực tế có chuyện vì muốn bị cáo nhận tội nên gặp trường hợp bị cáo kháng cáo kêu oan, HĐXX phúc thẩm thường “giải thích” cho bị cáo rằng: “Nếu bị cáo kêu oan thì HĐXX chỉ cân nhắc là bị cáo có oan hay không chứ không xem xét mức án cũng như các tình tiết giảm nhẹ”. Có trường hợp HĐXX phúc thẩm còn “giáo dục” bị cáo để bị cáo nhận tội và hứa nếu bị cáo nhận tội thì sẽ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ, còn nếu không thì... Việc làm này của HĐXX phúc thẩm không đúng quy định của BLTTHS cũng như hướng dẫn của TAND Tối cao.

Theo chúng tôi, việc tòa phúc thẩm bác kháng cáo kêu oan của bị cáo và việc giảm án là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Việc tòa phúc thẩm bác kháng cáo kêu oan của bị cáo là hoạt động định tội, tức xác định bị cáo có phạm tội hay không, nếu có thì đó là tội gì, quy định tại điều khoản nào của BLHS. Nếu bị cáo kêu oan nhưng căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra các chứng cứ tại phiên tòa mà HĐXX thấy bị cáo không oan thì tuyên bố bị cáo phạm tội...

Còn khi quyết định hình phạt, tòa phúc thẩm phải căn cứ vào quy định của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Do đó, nếu thấy tòa sơ thẩm áp dụng hình phạt đối với bị cáo đã tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; đã cân nhắc đầy đủ các yếu tố thuộc về nhân thân của bị cáo, xác định đúng, đủ các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng thì tòa phúc thẩm không thể tăng án trong mọi trường hợp. Ngược lại, nếu thấy hình phạt mà tòa sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo quá nặng, không đúng quy định của BLHS, không tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng thì tòa phúc thẩm vẫn có quyền giảm án cho bị cáo.

Trong trường hợp tòa sơ thẩm đã áp dụng hình phạt đối với bị cáo đúng pháp luật nhưng sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo có thêm các tình tiết giảm nhẹ mới (xuất hiện sau khi xét xử sơ thẩm) thì dù mức án của tòa sơ thẩm đã đúng, tòa phúc thẩm vẫn có thể giảm án cho bị cáo.

Nếu ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm, bị cáo một mực kêu oan nhưng tòa sơ thẩm vẫn kết án bị cáo phạm tội, sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo vẫn kháng cáo kêu oan mà tại phiên phúc thẩm, bị cáo nhận tội thì bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ là “thành khẩn khai báo”. Ngược lại, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo vẫn kêu oan và tòa phúc thẩm bác kháng cáo kêu oan của bị cáo thì bị cáo không được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo”, chứ không có việc tòa phúc thẩm không xem xét mức hình phạt của tòa sơ thẩm.

Tóm lại, trong trường hợp bị cáo chỉ kháng cáo kêu oan (không có kháng nghị của VKS hay kháng cáo khác) thì tòa phúc thẩm vẫn phải xem xét mức án mà tòa sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo đã đúng chưa, nếu quá nặng thì tòa vẫn có quyền giảm hình phạt cho bị cáo.

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.