Trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường ở Hà Nội vứt xác bệnh nhân xuống sông, sai phạm của BS Nguyễn Mạnh Tường đã rõ khi chỉ có chuyên ngành chấn thương - chỉnh hình nhưng lại đi phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết ngay cả các bác sĩ có bằng giải phẫu thẩm mỹ thì không phải thứ gì cũng được phép làm.
Y Hà Nội chưa đào tạo chuyên ngành thẩm mỹ
Ở các nước tiên tiến, chuyên ngành phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ (TH-TM) là một chuyên ngành lớn, thường được chú trọng đào tạo trong hầu hết các trường đại học y khoa. Thế nhưng ở Việt Nam trong một thời gian dài, đa số các bệnh viện, cơ sở y tế… công việc chuyên môn về TH-TM thường do các bác sĩ chuyên ngành khác (ngoại tổng quát, mắt, ung bướu, chấn thương chỉnh hình…) đảm trách với các kiến thức về TH-TM học được từ nhiều nguồn khác nhau, đa số có tính chất chắp vá. Tuy nhu cầu làm đẹp của mọi giới gia tăng kéo theo đó là có nhiều thẩm mỹ viện ra đời nhưng chưa có nơi nào đào tạo bác sĩ thẩm mỹ. Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội Tạ Thành Văn - một cơ sở có 113 năm đào tạo ngành y với đủ các chuyên khoa, trường này chưa có ý định mở ngành đào tạo nhân lực cho các thẩm mỹ viện. Hiện trường chỉ có bộ môn Phẫu thuật tạo hình nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu học của nhiều bác sĩ, nhân viên y tế. Còn Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đến năm 2009 mới có phân môn Phẫu thuật TH-TM và năm 2010 trường mới thành lập bộ môn TH-TM thuộc khoa Y.
Không được vừa bơm vú vừa độn mông
TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm bộ môn TH-TM Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết bộ môn TH-TM có hình thức đào tạo sau ĐH là mở lớp định hướng chuyên khoa 8-10 tháng. Một năm chỉ đào tạo một khóa với số lượng đào tạo rất giới hạn (khoảng 30-40 học viên/khóa). Ở bậc ĐH chỉ giảng dạy một ít tiết, còn muốn được đào tạo chuyên sâu để làm bác sĩ chuyên về TH-TM thì phải học sau ĐH. Sau khi tốt nghiệp ĐH Y thì phải học thấp nhất là định hướng chuyên khoa, sau đó lên chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2.
BS Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết một bác sĩ muốn hành nghề TH-TM phải qua lớp đào tạo định hướng chuyên khoa về phẫu thuật TH-TM 8-24 tháng tùy quy định mỗi trường. Muốn được cấp chứng chỉ hành nghề này, bác sĩ đó phải qua thực hành 18 tháng nữa và thực hiện tối thiểu 30 ca. Sở Y tế sẽ thẩm tra, xác minh trong trường hợp nghi ngờ người hành nghề báo cáo sai sự thật, không đủ số ca thực hành và thời gian thực hiện.
“Chứng chỉ hành nghề chỉ là bước ban đầu (vì khi thực hành bác sĩ có thầy chỉ dẫn), sau này bác sĩ phải chứng minh được khả năng làm việc độc lập nhưng không có nghĩa là làm hết tất cả mình mong muốn theo cách nghĩ “đã học định hướng chuyên khoa rồi thì muốn làm gì làm”. Có nghĩa là không được cùng lúc thực hiện hết các lĩnh vực như nâng ngực, độn mông, sửa mũi… Đối với bệnh viện công, việc này được quản lý rất chặt, một bác sĩ muốn làm việc nào đó thì phải được hội đồng bệnh viện đồng ý” - BS Tuấn nói.
“Vậy một bác sĩ chuyên sửa mặt, mũi rồi ra nước ngoài học thêm kỹ thuật độn mông, ngực thì có được cấp chứng chỉ hành nghề lĩnh vực vừa học không?”. Với câu hỏi này của PV, BS Tuấn thông tin: “Hiện Sở Y tế chưa xét các trường hợp này, chỉ xét duyệt cho những người học định hướng chuyên khoa và học chuyên khoa I về TH-TM (ba năm)”.
Thẩm mỹ viện chỉ được chăm sóc... da
Trong việc lập phòng khám hoặc bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, BS Lê Minh Hải, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân - Sở Y tế TP.HCM, lưu ý: Một bác sĩ muốn mở phòng khám chuyên khoa hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ thì ngoài giấy phép kinh doanh còn phải có bằng định hướng chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, chứng chỉ hành nghề, có thời gian thực hành khám, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ 54 tháng (4,5 năm). Ngoài ra, phòng khám phải có điều dưỡng đã được đào tạo chuyên môn, phải có phòng khám bệnh, phòng tiểu phẫu, phòng lưu, thuốc cấp cứu...
Theo BS Lê Anh Tuấn, hiện Sở Y tế TP.HCM cấp phép cho hai loại hình: Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Ngoài ra còn có khoa phẫu thuật, đơn vị thẩm mỹ nằm trong bệnh viện đa khoa, bệnh viện công. Còn các thẩm mỹ viện, spa chỉ được chăm sóc da bên ngoài, nếu phát hiện các nơi này quảng cáo, hoạt động sai thì Sở sẽ thanh tra xử lý. Sở Y tế cũng sẽ kết hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để kiểm tra các cơ sở này.
“Sắp tới, Sở Y tế sẽ họp bàn với Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM để xác định rõ phạm vi hành nghề của từng bác sĩ thẩm mỹ làm tư, dựa vào những chứng chỉ và chứng minh tay nghề của họ. Nếu một bác sĩ chỉ học sửa mũi nhưng làm luôn độn mông mà không xin phép, không báo cáo về Sở thì Sở sẽ xử lý vi phạm này” - BS Tuấn cho biết thêm.
Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN: “Chúng tôi khổ tâm và day dứt” Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế-xã hội ngày 24-10, vụ bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ làm chết bệnh nhân rồi đẩy xác xuống sông được nhiều đại biểu quan tâm và đặt vấn đề xem xét tình trạng y đức đang xuống cấp hiện nay. Trong phần phát biểu 15 phút vào cuối buổi thảo luận, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã dành gần nửa thời gian để bày tỏ xót xa quanh vụ này. Theo Bộ trưởng Y tế, vấn đề đạo đức nghề nghiệp và y đức thời gian qua rất đáng báo động. Ngành y tế thấy rất đau đớn, nặng nề. Hiện Bộ đang xây dựng một thông tư chế tài nhưng để giải quyết triệt để thì không chỉ có mỗi ngành y tế mà cả xã hội cần tập trung hỗ trợ lên án những hành động thiếu đạo đức nghề nghiệp, không chỉ của ngành y mà là đạo đức con người nói chung, trong đó ngành y càng phải được đòi hỏi cao. Trả lời nhanh với báo chí vào cuối buổi thảo luận, Bộ trưởng Y tế cho biết ngay từ khi còn ở Philippines, nghe tin về vụ việc, bà đã liên tục chỉ đạo qua điện thoại. Theo bà, về việc cấp phép thì phòng y tế quận chịu trách nhiệm. Còn kiểm tra hoạt động của các thẩm mỹ viện thì đã có thanh tra y tế. Vừa rồi mới có đợt thanh tra lớn tại TP.HCM, Hà Nội và đã có nhiều thẩm mỹ viện vi phạm bị đóng cửa và đưa lên báo nhưng không hiểu sao cơ sở Cát Tường lại lọt lưới! Bí thư Thành ủy Hà Nội PHẠM QUANG NGHỊ: Nói trách nhiệm thuộc về ai là rất khó! Từ vụ thẩm mỹ viện Cát Tường cần phải xem lại cơ chế, chính sách quản lý hiện nay về các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân: Cấp phép như thế nào, sau đó kiểm tra, giám sát ra sao. Bởi vì có khi cấp phép một đằng nhưng những người thực hiện các dịch vụ y tế lại chuyển sang làm một việc khác. Lâu nay chúng ta muốn tạo ra sự thông thoáng nên để cho người dân tự do lựa chọn dịch vụ y tế. Nhưng giờ cũng phải tính toán “thoáng” đến mức nào là vừa, phải có quy định loại gì không được phép... Vừa qua, chúng ta cũng tạo điều kiện để bác sĩ của các bệnh viện làm việc ở các cơ sở bên ngoài. Song phải lưu ý là những vấn đề hệ trọng đến sức khỏe con người thì phải là những bệnh viện hiện đại chứ không phải chỉ vài con dao, vài thứ dụng cụ và người thầy thuốc có thể làm được mọi thứ. Về mặt quản lý nhà nước, do UBND và Sở Y tế không cấp phép hoạt động nên giờ nói trách nhiệm của ai là rất khó! HẰNG – KIÊN |
D.TÍNH - Q.DŨNG - H.HÀ