Bài học rút ra từ vụ đấu giá 4 lô đất vàng ở khu Thủ Thiêm, TP.HCM

Tại tọa đàm Bài học Kinh nghiệm rút ra từ đấu giá đất Thủ Thiêm và những khuyến nghị về thể chế diễn ra tại Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM sáng 23-2. Nhiều chuyên gia cho rằng đấu giá đất ở Thủ Thiêm, TP.HCM thời gian qua đã rút ra những kinh nghiệm và bài học sâu sắc.

Bài học kinh nghiệm lớn

"Bài học lớn lắm nhưng là bài học tốt, cho chúng ta và các nhà quản lý, làm sao đừng để nhà đầu tư đưa chúng ta vào sự loạn xạ này, không biết như thế nào", ông Nguyễn Thanh Hải - Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Miền Nam cho biết.

Theo ông Hải, mặt bằng giá BĐS của chúng ta hiện có vấn đề khi giá nào cũng mua, chúng ta để nhà đầu tư chưa trong sáng dẫn dắt thị trường thì không tốt, mà phải có sự điều tiết của Nhà nước.

Ngoài ra, ông Hải cho rằng câu chuyện này không liên quan đến quy hoạch vì Thủ Thiêm quy hoạch rất tốt, trên từng lô đất các chỉ tiêu đều có, có chức năng, chiều cao công trình... và nhà đầu tư cũng nắm rất rõ vấn đề này khi tham gia đấu giá.

"Có thể thấy, chúng ta chưa có kinh nghiệm trong chuyện này nên khi nhà đầu tư dễ lợi dụng, họ lợi dụng tâm lý bầy đàn, nhiều khi mọi người mua đất với bất cứ giá nào. Nhà đầu tư rất thông minh, họ nhìn nhận pháp luật để làm không sai", ông Hải phân tích. 

Theo ông Hải, chúng ta cũng không nên suy diễn, hay có thuyết âm mưu là doanh nghiệp thế này thế kia khi chưa có bằng chứng, đơn giản là khi chúng ta sơ hở thì họ tận dụng và đó là lỗi chúng ta 

"Việc họ đấu giá được và bỏ cọc, tôi nghĩ họ đã lên kịch bản và cũng dự tính đương đầu với mọi tình huống, thậm chí cả những thông tin bất lợi cho họ cũng đều được tính toán", ông Hải nói.

Theo ông Hải, chúng ta cần sửa căn nguyên từ hệ thống pháp luật, cách đấu thầu, đấu giá như thế nào… Đấu giá thì chúng ta mong muốn được nhà đầu tư trả giá cao nhất, nhưng khi giá cao thì lo ngại tạo ra chiều hướng trào lưu bất lợi cho cả thị trường.

"Thậm chí ở tôi đi công tác, ở biên giới Việt Nam – Campuchia người ta cũng nói đất ở đây giá giờ cũng cao rồi vì giá đất Thủ Thiêm lên tới 2,4 tỉ đồng/m2. Chúng ta cần có văn bản pháp luật để giải quyết vấn đề này, để làm sao như nước ngoài, làm sai, làm không đúng thì thị trường đào thải ngay", ông Hải góp ý.

Toàn cảnh tọa đàm sáng nay tại Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Đặt kỳ vọng ở lần đấu giá tiếp theo

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) chia sẻ rất bức xúc câu chuyện đấu giá thời gian qua.

"Chúng ta phải xử lý ngay từ gốc. Luật đấu giá tài sản hiện nay áp dụng chung cho đấu giá tài sản Nhà nước và tư nhân, chúng ta đang đánh đồng tài sản chung" - ông Châu nói.

Ông Châu cũng cho rằng chúng ta đấu giá lô đất phát triển dự án mà lại không thẩm định tương lai nhà đầu tư làm dự án như thế nào. Vì vậy, xây dựng pháp luật cần thay đổi, lấy luật chuyên ngành là gốc, như xây dựng thì quy chiếu về luật xây dựng.

Hiện nay, chúng ta đang căn cứ Điều 41 luật đấu giá tài sản để làm, trả giá bằng lời nói trực tiếp ở cuộc đấu giá, điều này có thể đúng ở tài sản đơn lẻ (ví dụ đồ cổ, tài sản thanh lý...)

Điều 42 thì quy định trả giá bằng bỏ phiếu trực tiếp, Điều 43 thì quy định bỏ phiếu gián tiếp. Ông Châu cho rằng thực hiện đấu giá theo Điều 42 và 43 sẽ phù hợp hơn với đấu giá đất để làm dự án.

Ông Châu góp ý nên xác định tiêu chí những người tham gia đấu giá vì luật đấu giá tài sản quy định chưa chặt chẽ, có những đơn vị mới thành lập cũng tham gia đấu giá.

"Như Thủ Thiêm vừa rồi nhà đầu tư đấu giá số tiền gấp hàng chục lần so với tiền đặt cọc là không hợp lý. Cũng có thể người tham gia đấu giá chỉ đánh bóng thương hiệu, lấy sức hút cho cổ phiếu, trái phiếu. Nếu không có những thông điệp mạnh mẽ từ Chính phủ thì các nhà đầu tư lại thông qua huy động vốn từ ngân hàng" - ông Châu nói.

Ông Châu nhận định qua cuộc đấu giá này TP mất rất lớn. Giá đất được đẩy lên, một công đất ở tỉnh chưa chắc bằng 1m2 đất ở Sài Gòn, tác hại về mặt kinh tế là không nhỏ.

"Chúng tôi đề nghị vận dụng luật đấu thầu, trước là đánh giá đề xuất dự án đầu tư của nhà đầu tư để lựa chọn nhà đầu tư. Số tiền nhà đầu tư bỏ cọc không đáng gì, TP không nhắm vào số tiền bỏ cọc đó mà vấn đề là phát triển Thủ Thiêm như thế nào?" - ông Châu phân tích.

Chủ tịch HoREA cho rằng chúng ta phải đề phòng để không xảy ra những cuộc đua giá, mặt khác cũng đừng đổ oan cho nhà đầu tư nước ngoài.

"Sau thời gian thì chấn động tâm lý về việc doanh nghiệp bỏ cọc sẽ lắng xuống, cuộc đấu giá tiếp theo hy vọng sẽ đạt kết quả như mong muốn" - ông Châu kỳ vọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm