Bấm bụng đóng phạt để được “chính chủ”!

Ngày 15-4, Thông tư 12/2013 của Bộ Công an bắt đầu có hiệu lực (kéo dài đến hết năm 2014). Trong ngày, lượng người dân đến thực hiện thủ tục sang tên, đổi chủ ở các đội đăng ký xe trên địa bàn TP.HCM tăng mạnh. Nhưng cùng ngày, Thông tư 11/2013 của Bộ Công an cũng có hiệu lực nên nhiều trường hợp đã bị xử phạt do chậm sang tên, đổi chủ.

Nhiều trường hợp bị phạt

Tại các điểm đăng ký ô tô của Phòng CSGT đường bộ-đường sắt (PC67) - Công an TP.HCM, lượng người đến làm thủ tục sang tên trong ngày 15-4 tăng đột biến. Bà Nguyễn Kim Hoàng (quận Gò Vấp) cho hay mình đi đăng ký cho chiếc ô tô Mitsubishi Grandis bảy chỗ, trước đây ngại mức lệ phí trước bạ cao (10%) nên chưa sang tên. “Hiện mức lệ phí trước bạ đã giảm mạnh, thủ tục lại đơn giản nên tôi đi sang tên để không bị phiền hà về sau” - bà Hoàng nói.

Tương tự, ông Trần Danh Phước (quận Tân Bình) cũng đến Đội đăng ký xe 282 Nơ Trang Long để sang tên về “chính chủ” cho chiếc Toyota Innova cũ mua trong năm 2012. “Trước đây, mức thu lệ phí trước bạ của chiếc xe lên đến 60 triệu đồng nên tôi còn chần chừ. Nay lệ phí trước bạ giảm còn vài triệu đồng nên tôi làm thủ tục để được đứng tên chính chủ, sau này không lo bị CSGT xử phạt” - ông Phước cho hay.

Bấm bụng đóng phạt để được “chính chủ”! ảnh 1

CSGT đang giải quyết yêu cầu sang tên về “chính chủ” của người dân. (Ảnh chụp sáng 15-4 tại Đội đăng ký xe 282 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh). Ảnh: MP

Tuy nhiên, khi giải quyết hồ sơ, CSGT phát hiện ông Phước chậm thực hiện thủ tục (Thông tư 36/2010 của Bộ Công an quy định trong vòng 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua bán, cho, tặng, thừa kế xe, người mua phải làm thủ tục sang tên - PV) nên ông bị xử phạt 8 triệu đồng. Theo ghi nhận, chỉ trong khoảng 30 phút tại Đội đăng ký xe 282 Nơ Trang Long có ba trường hợp bị phạt như ông Phước. Để né bị phạt, một số người dân làm thủ tục tại đây cho người viết hay họ nhờ người bán làm lại giấy mua bán.

Không được yêu cầu dân chứng minh

Dù Nghị định 34/2010 và các văn bản hướng dẫn cho phép xử phạt với những trường hợp chậm làm thủ tục sang tên, đổi chủ với mức phạt 1 triệu đồng/xe máy, 8 triệu đồng/ô tô nhưng TP.HCM tạm ngưng xử phạt hành vi này từ đầu năm 2013. Chỉ từ hôm qua (15-4), CSGT mới bắt đầu xử phạt trở lại như nêu ở trên.

Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng PC67, cho biết những trường hợp bị xử phạt vì chậm sang tên, đổi chủ không thuộc diện khó khăn được loại trừ theo Thông tư 12/2013. Cụ thể, những trường hợp xe được mua bán qua nhiều người, thiếu chứng từ chuyển nhượng thì thông tư này tạo điều kiện tối đa để người dân làm thủ tục sang tên. Người đăng ký cũng không bị xử phạt lỗi không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu.

Cũng theo Thượng tá Trà, kể từ ngày 15-4, thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; qua điều tra xử lý tai nạn, nếu có căn cứ CSGT sẽ xử phạt lỗi không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu. CSGT cũng xử phạt đối với người mua vi phạm điều khoản này thông qua việc xử lý vi phạm giao thông. Chẳng hạn, với vi phạm giao cho người không đủ điều kiện điều khiển ô tô, xe máy thì chủ xe sẽ bị phạt 1 triệu đồng/xe máy và 3 triệu đồng/ô tô. Khi xác minh, xử lý, nếu xe đã bán thì CSGT có căn cứ xử phạt người mua về lỗi không chuyển quyền sở hữu.

Tuy vậy, “người dân có giấy phép lái xe phù hợp với xe điều khiển, xe đủ điều kiện và có các giấy tờ đầy đủ thì được phép chạy xe. CSGT tuyệt đối không được dừng xe yêu cầu người dân chứng minh đi xe mượn, xe của gia đình để rồi xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu” - Thượng tá Trà nhấn mạnh.

Thủ tục đơn giản

Sáng 15-4, anh Quách Chí Công tìm đến Đội CSGT - Trật tự - Phản ứng nhanh Công an quận Tân Bình đặt câu hỏi: “Hơn 10 năm trước tôi có mua lại một xe máy cũ nhưng chưa sang tên. Mới đây, tôi sơ suất làm mất hết giấy tờ xe và không nhớ địa chỉ của người chủ cũ nên không biết có sang tên được không?”. Tương tự, chị Nguyễn Thị Lan cho biết mua lại xe đăng ký của tỉnh khác từ tiệm cầm đồ, không có chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên xe nên không rõ muốn sang tên phải làm gì.

Thiếu tá Nguyễn Đình Dương, Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự - Phản ứng nhanh Công an quận Tân Bình, giải đáp: Theo quy định mới, những trường hợp tương tự như trên vẫn được giải quyết sang tên. Thủ tục khá đơn giản:

- Người làm thủ tục điền vào mẫu giấy đăng ký và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tiếp đó, mang đến công an xã/phường/thị trấn nơi thường trú để xác nhận.

- Nộp chứng từ đã đóng lệ phí trước bạ theo quy định cùng giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe. Trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do. Trong thời hạn hai ngày từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký sẽ cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe cho người đang sử dụng xe.

- Nếu người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển nhượng, cơ quan đăng ký tiếp nhận hồ sơ, thu giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe. Sau 30 ngày kể từ lúc gửi thông báo và niêm yết công khai, cơ quan đăng ký xe giải quyết cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe cho người đang sử dụng.

MINH HIẾU

Công an không được dừng xe để phạt?

Ngày 15-4, Trung tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an cho biết đã có văn bản yêu cầu các đơn vị công an không được dừng xe trên đường để kiểm tra xử phạt hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện”.

Văn bản của Tổng cục cũng nêu rõ trong quá trình làm thủ tục đăng ký xe, lực lượng chức năng không được xử phạt đối với các trường hợp làm thủ tục sang tên, di chuyển xe theo quy định của Thông tư 12. Với các trường hợp bị tạm giữ phương tiện vi phạm, CSGT không yêu cầu người vi phạm hoặc chủ phương tiện phải chứng minh xe chính chủ. Nếu hết thời hạn tạm giữ phương tiện nhưng CSGT không xác định được có hành vi  “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” thì sẽ không xử phạt.

THÀNH VĂN

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm