Bạn đọc chia sẻ cách thức phòng, chống COVID-19

Trong tuần qua, những thông tin về diễn biến dịch bệnh COVID-19 nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Đặc biệt, chương trình phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tên gọi “Niềm tin chiến thắng” của Bộ Y tế ngày 6-8 nhận được nhiều sự đồng tình ủng hộ từ phía người dân.

Chiến dịch kêu gọi mọi tầng lớp người dân cùng thực hiện đầy đủ các biện phòng, chống dịch bệnh. Người dân nên xây dựng lối sống phù hợp, tạo thói quen có lợi cho sức khỏe để chung sống với dịch, vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, chiến dịch cũng truyền đi thông điệp đoàn kết, kêu gọi hành động, lan tỏa yêu thương đến cộng đồng, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội. Chiến dịch diễn ra từ ngày 6-8 đến 30-9.

Hạn chế tụ tập, tuân thủ đeo khẩu trang

Chị Nguyễn Thị Thúy, chung cư K26, phường 7, quận Gò Vấp, chia sẻ: “Ngoài việc cài ứng dụng Bluezone để phát hiện người nào có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở gần mình thì khu nhà tôi còn lập ra nhóm Zalo để thông báo tình hình dịch bệnh.

Việc phòng, chống dịch bệnh không những cho bản thân mà cho cả gia đình mình nên mọi người trong nhóm hễ biết và phát hiện ai về từ vùng dịch thì sẽ báo cho nhau để phòng tránh. Ngoài ra, chúng tôi còn liên lạc để hỗ trợ cho nhau các nhu yếu phẩm cần thiết để chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay…”.

Anh LMT, trưởng phòng một công ty ở quận 10, cho biết đi du lịch từ Đà Nẵng về TP.HCM vào cuối tháng 7, gia đình anh đã tự đi khai báo và xét nghiệm. Cho đến giờ, trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, anh đã xin tạm nghỉ việc để gia đình anh tự cách ly tại nhà, không ra ngoài. Cần mua sắm gì thì nhờ người thân mang tới.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, nhân viên kế toán tại một công ty ở quận Bình Tân, cho biết: “Trước đây, các nhân viên trong công ty cứ buổi trưa là rủ nhau đi ăn chung cho vui. Tuy nhiên, dịch bệnh trở lại, việc ăn uống bên ngoài cũng hạn chế để tránh tiếp xúc với nhiều người.

Sếp trực tiếp của tôi đã ra hẳn một thông báo là tất cả nhân viên trong phòng hạn chế ra ngoài ăn và được phép ăn tại bàn làm việc. Đồng thời, các nhân viên phải mang khẩu trang trong suốt thời gian làm việc. Phòng làm việc mở cửa sổ, không mở máy lạnh quá bốn tiếng. Không còn cách nào khác, mỗi người chúng ta cứ tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế để tự biết cách chung tay phòng, chống dịch thôi”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn động viên cán bộ y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại khu điều trị cách ly TTYT Bình Sơn Cơ sở 2, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: TUẤN DŨNG

Đừng vội thấy âm tính là “bung lụa”

Cả nước đang nỗ lực xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho các đối tượng nghi ngờ.

Nhiều bạn cũng bày tỏ lo lắng với những trường hợp nhận được kết quả âm tính là vui mừng và hẹn hò tụ tập “bung lụa”, rất chủ quan.

 Bạn đọc Thái An bình luận: “Theo tôi, chúng ta không nên chủ quan đối với những trường hợp test nhanh có kết quả âm tính vì những trường hợp âm tính sau đó có thể là dương tính.

Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, có những người đi Đà Nẵng về trong vòng 14 ngày vẫn đi lung tung thay vì tự cách ly ở nhà. Nếu chưa cách ly đủ 14 ngày thì dù kết quả xét nghiệm âm tính vẫn chưa thể coi là an toàn”.

Bạn đọc Khả Hân bình luận: “Cách tốt nhất để phòng, chống dịch là mỗi người phải tự bảo vệ mình. Hạn chế tiếp xúc với người khác và hãy xem những người xung quanh chúng ta ai cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh để tránh.

Bảo vệ mình bằng cách mang khẩu trang, dùng nước sát khuẩn…, đồng thời cũng đừng làm quá khiến người khác hoang mang. Trong thời điểm hiện tại thì việc vui chơi, tụ tập nên bỏ qua một bên để lo cho sức khỏe của mình, của người nhà và cho cả cộng đồng”.

Kết quả âm tính chưa chắc đã an toàn

Nguyên nhân dẫn đến kết quả chưa chính xác là do tùy vào loại xét nghiệm và tùy giai đoạn bệnh của bệnh nhân.

Những trường hợp test nhanh cho ra kết quả âm tính, khi xét nghiệm RT-PCR lấy mẫu bệnh phẩm từ vùng dịch hầu họng để tìm virus có thể cho ra kết quả dương tính nếu người đó bị nhiễm bệnh.

Việc xét nghiệm có hai mục tiêu. Mục tiêu thứ nhất là để xem người này có lây cho ai chưa và mục tiêu thứ hai là biết người này đang có bệnh hay không.

Nếu người nghi nhiễm có kết quả âm tính trong suốt 14 ngày thì chứng minh người này chưa lây cho ai.

Những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao dù có kết quả âm tính thì cũng phải cách ly đủ 14 ngày rồi sẽ xét nghiệm lại để chứng minh người này không còn nguy cơ nữa và chắc chắn không lây cho cộng đồng.

Vì thế, với tình hình dịch bệnh hiện nay, người dân không nên chủ quan khi đã nhận kết quả xét nghiệm nhanh âm tính.

Những người có nguy cơ bị nhiễm cần tiếp tục cách ly 14 ngày nếu trở về từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với những người mắc bệnh để hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng.

BS TRƯƠNG HỮU KHANHBV Nhi đồng 1 TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới