Bạn đọc muốn 'xử' đến cùng vụ gần 3.000 thương binh giả

Đó là ý kiến của hàng trăm độc giả gửi về cho báo Pháp Luật TP.HCM về trường hợp hai cụ Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn Công Uẩn cùng ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Hai cụ trong nhiều năm ròng rã đã tự thu thập chứng cứ và phanh phui được 2.745 hồ sơ giả mạo, khai man để hưởng chế độ người có công, khiến 29 đối tượng phải trả giá trước vành móng ngựa.

Tuy nhiên, sau 2 năm được đề nghị nhận bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH, hai anh hùng thời bình với thành tích quá rõ ràng như vậy vẫn chưa nhận được bất kỳ phần thưởng nào. Điều này khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Phải thưởng cả tinh thần lẫn vật chất

Hai cụ Lãng và Uẩn năm nay đã 80 tuổi. Từ nhiều năm trước, nhận ra nhiều người khai gian để hưởng chế độ thương binh, bản thân là cựu chiến binh, cả hai “không thể chấp nhận được”. 

Họ bắt tay nhau, vượt qua biết bao gian nan, từ sự kỳ thị của cả gia đình, các thế lực đe dọa, những khó khăn ngoài tưởng tượng khi thu thập hồ sơ. Kết quả gần 3.000 vụ gian dối đã được đưa ra ánh sáng. “Trận đánh lớn” của hai cụ khiến người ta không thể không thán phục. Bạn đọc Tạ Thu Hiền thốt lên: “Thế mới xứng đáng là những cựu chiến binh Việt Nam!” Rất nhiều độc giả như Phương Trang, Khánh Nguyễn, Linh Miêu, Thuân Chỉ, Sơn Điền… bày tỏ sự nể phục, nghiêng mình trước hành động quyết liệt vì cái chung của hai cụ già tuổi đã thất thập.

Cụ Nguyễn Công Uẩn với chiếc xe đạp này đã đi tìm sự thật của 3.000 hồ sơ thương binh giả

“Phải khen thưởng xứng đáng về tinh thần lẫn vật chất cho người dân tham gia chống tham nhũng” là ý kiến của bạn Nguyễn Thái Thuận. “Chưa kể chiến công này thực sự hiếm thấy trong đời thường”, bạn Văn Công Hùng tiếp lời. Đồng tình, độc giả Giang Sơn Điền 48 bày tỏ: “Lợi ích này thuộc về nhà nước mà từ công lao của hai cụ, cần phải biểu dương ngay!”.

Với mức độ lợi ích từ hành động của hai cụ, cả về vật chất lẫn kỷ cương xã hội, độc giả Mạc Hổ quả quyết hai cụ xứng đáng được nhà nước phong tặng “danh hiệu anh hùng trên mặt trận chống tham nhũng”. 

Việc khen thưởng không những khuyến khích tinh thần không làm ngơ với tiêu cực mà còn giữ được niềm tin trong quần chúng. “Có công thì thưởng có tội thì trừng, ấy là nền tảng của xã hội công bằng, văn minh”, các bạn đọc Anh Tưởng, Hoàng Nam phân tích. Một số ý kiến còn cho rằng chiến công này xứng đáng nhận bằng khen của Thủ tướng và một bức thư khen của Tổng Bí thư cũng không phải là quá đáng.

Niềm tin tuyệt đối vào Luật

Trước khi đi đến chiến thắng cuối cùng, hai cụ đã hứng chịu búa rìu từ nhiều phía. Thật khó tin 2.745 hồ sơ giả mạo bị lật tẩy cùng hàng loạt khuất tất phía sau là kết quả của quá trình thu thập, đấu tranh đơn độc của hai cụ già không thân, không thế, chỉ dựa vào một câu “chúng tôi tin tuyệt đối vào luật”.

Cụ Nguyễn Tiến Lãng với cả ngàn hồ sơ, tài liệu để tìm ra công lý

Lòng tin như hai cụ thời nay dường như không còn nhiều. “Vì sao Nhà nước có Luật phòng chống tham nhũng; Luật Khiếu nại, luật tố cáo… nhưng người đấu tranh chống tham nhũng vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi, mất mát cả về kinh tế, tinh thần, tình cảm, có khi tổn thương về thể xác? Phải chăng gia đình ngăn cản cụ vì họ không tin tưởng vào hệ thống trên? Họ sợ trứng chọi đá, sợ cha, chồng mình bị tổn hại, vậy luật có thực sự đủ mạnh để người ta dựa vào”, câu hỏi xoáy về niềm tin được một bạn đọc đặt ra.

Suốt 2 năm, Bộ LĐ-TB&XH chờ đợi ý kiến hiệp y của UBND tỉnh Bắc Ninh để tiến hành trao bằng khen cho hai cụ nhưng vẫn bặt vô âm tín. Chờ lâu, bộ phải chuyển hướng, tham khảo ý kiến của Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ). Sự thờ ơ của địa phương khiến dư luận đặt dấu hỏi. "Tại sao phải xin ý kiến địa phương có nhiều cán bộ làm sai để quyết định khen thưởng hai ông? Chắc chắn không một cán bộ nào của Bắc Ninh muốn khen vì đâu có ai lấy đá ghè chân mình”, bạn đọc Quang Vinh nêu.

Bên cạnh yêu cầu tưởng thưởng hai lão nông, bạn đọc còn muốn vấn đề cần phải được đẩy thêm một bước. Bạn Trung Kien Trung cho rằng: “Cái gốc của vấn đề là tìm ra đường dây làm hồ sơ giả và xử lý triệt để”.

Quả thật, trong nhiều điều sai trái, việc mạo nhận thương binh là hành vi không thể tha thứ vì nó xúc phạm đến máu xương của hàng triệu người đã đổ xuống. Điều này không thể thực hiện được nếu không có sự tiếp tay, bao che, thông đồng của một số người có chức trách. Độc giả Thuân Chỉ  nhận định: “Sỉ nhục cho những kẻ tham lam, tắc trách, xử lý hời hợt khi làm người có trách nhiệm. Hai ông xứng đáng được Đảng và Nhà nước khen thưởng, có vậy mới khuyến khích được tinh thần ấy lan tỏa đến nhiều người khác. Mọi việc phải dựa vào dân mới thành công…”.

Nhiều mong mỏi của độc giả là  cơ quan chức năng cần dùng những thiết chế trong tay mình tìm cho đến cùng sự thật để công sức của những người như cụ Lãng, cụ Uẩn không đổ sông đổ biển.

Bộ đã có công văn đề nghị khen thưởng, tỉnh chưa biết

Ngày 9-5, ông Nguyễn Tiến Nhường, phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh (phụ trách công tác thi đua khen thưởng tỉnh) cho Pháp luật TP.HCM biết, liên quan đến công văn của Bộ LĐ-TB&XH về việc khen thưởng cho ông Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn Công Uẩn, cá nhân ông hiện chưa nhận được công văn nào của Bộ.

Bạn đọc muốn 'xử' đến cùng vụ gần 3.000 thương binh giả ảnh 3
Công văn của Bộ Lao động thương binh - xã hội gửi UBND tỉnh để xem xét việc hiệp y khen thưởng.

Đồng thời, ông này đề nghị PV muốn tìm hiểu sự việc thì liên hệ với Sở Nội vụ. Tiếp tục đến Sở Nội vụ đặt vấn đề, đại diện đơn vị này cho hay không nhận được công văn nào từ phía UBND tỉnh về vụ việc.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, các công văn này được Bộ đồng gửi tới UBND tỉnh (xem xét việc hiệp y khen thưởng) và Sở LĐ-TB&XH (để biết), trong đó Sở đã nhận được. Như vậy, đến nay, các cơ quan tỉnh Bắc Ninh vẫn không biết công văn của Bộ đã được giao cho đơn vị nào để xử lý.

Viết Long - Tuyến Phan

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm