2 người nước ngoài ở lì trong nhà người khác

Gửi đơn đến Pháp Luật TP.HCM, ông Tống Khánh Thiện, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM trình bày: Năm 2015, ông mua căn nhà số 82 Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5, TP.HCM) của bà Trần Hữu. Ngày 31-8, sau khi cả hai bên mua bán thực hiện đầy đủ thủ tục chuyển nhượng, căn nhà trên được sang tên đổi chủ. Tuy nhiên, đến khi nhận nhà thì hai người mà trước đây bà Hữu cho ở nhờ không chịu ra khỏi nhà.

Nhất quyết không chịu trả nhà

Theo ông Thiện, vừa làm xong thủ tục, gia đình ông chuẩn bị chuyển về thì phát hiện trong nhà có vợ chồng bà Wong Ann (quốc tịch Mỹ) và ông Yuan Chun Si (quốc tịch Đài Loan) kinh doanh tiệm giặt ủi tại căn nhà trên. Trước đây hai người này được bà Hữu bảo lãnh tạm trú. Lúc xảy ra vụ việc, ông Thiện có báo công an và UBND phường đến hỗ trợ cho gia đình ông vào nhà. Tuy nhiên, phía bà Ann vẫn không đồng ý. Vợ chồng bà Ann cho rằng họ đang là đại diện theo ủy quyền của một nguyên đơn có tranh chấp quyền sở hữu nhà với bà Trần Hữu được TAND quận 5 thụ lý năm 2014. Ông Thiện gửi đơn khiếu nại việc cư trú bất hợp pháp nói trên thì Công an phường 2, quận 5 khẳng định cơ quan này chấm dứt cho vợ chồng bà Ann đăng ký tạm trú kể từ ngày 14-9.

Sau đó ông Thiện làm đơn đến Công ty Điện lực Chợ Lớn đề nghị cắt điện từ ngày 21-9. Đồng thời ông Thiện làm đơn gửi Công an quận 5 để được giải quyết việc vợ chồng bà Ann còn ở trong nhà nhưng công an quận hướng dẫn sang Phòng Cảnh sát quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP.HCM vì liên quan đến yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, phòng cho biết trường hợp của ông Thiện không thuộc thẩm quyền của họ.

Căn nhà do ông Thiện đứng tên hiện vẫn đang bị vợ chồng bà Wong Ann chiếm giữ. Ảnh: NH

Công an chuyển ủy ban

PV đến liên hệ với Công an quận 5 để nắm vụ việc. Một đại diện Công an quận 5 cho biết sau khi nhận được đơn của ông Thiện, công an quận đã tổ chức họp bàn hướng giải quyết. Kết thúc buổi họp, lãnh đạo công an quận thống nhất chuyển vụ việc về UBND phường 2, quận 5 hướng dẫn, giải quyết theo đúng thẩm quyền vì có liên quan đến tranh chấp tài sản.

Trao đổi với PV, ông Phạm Nguyễn Hải Âu, Phó Chủ tịch UBND phường 2, quận 5, cho biết khi UBND phường nhận được thông tin của ông Thiện, phường đã mời hai bên đến hòa giải, thuyết phục và lập biên bản ghi nhận ý kiến của hai bên. “Trách nhiệm của phường chỉ tới đây. Phường cũng không có chức năng trục xuất người nước ngoài ra khỏi địa phương. Công an quận 5 chuyển vụ việc đến UBND phường là không hợp lý. Việc hai người này cư trú bất hợp pháp thì cơ quan công an phải thụ lý”.

Có thể xử lý hình sự

Căn nhà của ông Thiện mua từ bà Hữu đã được sang tên và đứng tên ông. Do đó căn nhà đã thuộc quyền sở hữu của ông Thiện theo quy định của Luật Nhà ở và các quy định có liên quan của Bộ luật Dân sự. Ngoài ra, vụ tranh chấp mà vợ chồng bà Ann viện dẫn đến nay chưa có một quyết định hoặc bản án có hiệu lực pháp luật thì quyền sở hữu căn nhà vẫn thuộc về ông Thiện.

Điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013 quy định người nào chiếm giữ trái phép tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 5 triệu đồng. Trường hợp người nước ngoài thì theo khoản 4 Điều 15 có bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung là trục xuất khỏi nước Việt Nam tùy theo mức độ vi phạm. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của trưởng công an cấp huyện hoặc chủ tịch UBND cấp huyện. Việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất thuộc thẩm quyền của cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh theo khoản 7 Điều 66 Nghị định 167/2013.

Ngoài ra, hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 141 Bộ luật Hình sự.

Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG, Giám đốc
Công ty Đông Phương Luật (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm