4 lưu ý khi ứng xử với người tâm thần để được an toàn

Đầu tháng 12, một công an viên ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM bị người tâm thần đánh chết.

Những cái chết oan uổng

Chiều 1-12, anh công an viên tên Th. đang chạy xe trên đường Nguyễn Thị Huê (ấp Đông Lân, xã Bà Điểm) thì bất ngờ bị Trương Vũ Minh Sang (28 tuổi) từ trong nhà lao ra, dùng gậy gỗ tấn công khiến anh gục ngay tại chỗ. Mặc dù được đưa đi cấp cứu nhưng anh Th. không qua khỏi. Kết quả khám nghiệm cho thấy anh bị đa chấn thương, trong đó nguyên nhân tử vong là chấn thương sọ não. Anh ra đi khi mới 36 tuổi, để lại người mẹ già, vợ trẻ và con gái nói còn chưa sõi.

Theo Công an huyện Hóc Môn, Sang là người bị tâm thần phân liệt, từng được điều trị từ năm 2005 và uống thuốc tới nay.

Sự ra đi của anh Th. làm chúng tôi nhớ lại câu chuyện hơn một năm trước của cậu bé sáu tuổi tên K. ngây thơ, hồn nhiên ở quận Tân Phú, TP.HCM. Đó là buổi chiều 26-11-2017, trong lúc đi mua hàng tạp hóa, cậu bé đã bị người bảo vệ dân phòng tên Giang (có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng) cầm dao sát hại khi cả hai chẳng có mâu thuẫn gì, ngược lại còn rất quý nhau.

Đến dự tang lễ cậu bé sáu tuổi ngày hôm ấy, nhiều người không kìm được nước mắt. Trên di ảnh, cậu bé hồn nhiên xòe hai ngón tay hình chữ V, nhoẻn miệng cười. Người nhà nói rằng đó là tấm ảnh chụp bé lúc 3-4 tuổi, chụp giữ làm kỷ niệm đâu ngờ có ngày lại phải lấy làm ảnh thờ. 

Gia đình lưu tâm hơn đến bệnh nhân tâm thần để không còn những câu chuyện đau lòng xảy ra.  Ảnh: NT

Nỗi đau xé lòng

Không chỉ hai vụ án trên mà còn rất nhiều vụ án trước đó, giữa các bị can (người tâm thần) và nạn nhân không hề có thù hằn, xích mích.

Thậm chí trong vụ án cậu bé sáu tuổi bị sát hại ở Tân Phú, hung thủ là một bảo vệ dân phố được nhiều người nhận xét hiền lành, rất thương cậu bé.

“Mấy lần qua chơi, Giang còn cho nó tiền. Bình thường thấy hai chú cháu hay nói chuyện, đùa giỡn với nhau, chẳng biết sao mà nó hại chết thằng nhỏ” - người nhà cho biết.

Hiện nay người mắc bệnh tâm thần đang sống cùng gia đình khá nhiều. Và thực tế chứng minh trước khi gây án, họ vẫn được người nhà, hàng xóm nhận xét là hiền lành.

Tuy nhiên, bệnh tâm thần nói trên chỉ có thể điều trị ổn định chứ khó có thể khỏi hẳn, bệnh sẽ tái phát khi ngưng điều trị hoặc trong tình trạng bị kích động. Điều này rất nguy hiểm cho những người xung quanh và cả người trong gia đình.

Trong vụ công an viên bị đánh chết ở Hóc Môn nói trên, một cán bộ điều tra cho biết khoảng một tuần nay Sang không chịu uống thuốc. Đây có thể là nguyên nhân khiến người này lên cơn và gây án mạng.

Những câu chuyện đau lòng

Xách dao chém hàng loạt nạn nhân ở Bạc Liêu

Khoảng 15 giờ ngày 24-7, Thạch Sà Khêl (35 tuổi, ngụ xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) bất ngờ vác dao chém hàng loạt người trong xóm khiến nhiều người thương vong. Trong đó, một cụ bà tử vong tại chỗ. Người nhà của Thạch Sà Khêl cho biết Khêl có dấu hiệu bị tâm thần từ nhiều năm qua.

Con tâm thần đánh mẹ tử vong

Khoảng 5 giờ ngày 19-4, người dân xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng, Bình Phước phát hiện bà Phụng nằm trên lề đường quốc lộ 14, đầu gác lên cành củi điều, có nhiều máu trên cơ thể và nằm kế bên là Khảm.

Tại cơ quan điều tra, Khảm khai do bà Phụng nói: “Khổ quá, đánh chết mẹ đi” nên Khảm đã ra tay đánh mẹ. Theo nhiều người, bà Phụng và con trai có biểu hiện tâm thần nhiều năm nay.

-------------------------------------------------------------------

Bốn lưu ý khi sống chung với người tâm thần

BS CKI Vũ Đình Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức, đưa ra những lời khuyên cho cộng đồng.

1. Quan sát để phát hiện sớm

Người nhà cần để ý những dấu hiệu để phát hiện bệnh sớm như mất ngủ, khó ngủ liên tục 3-4 ngày, có những hành động đi ngược lại số đông như thu mình lại, cô độc, nói vớ vẩn, gặp cái gì đó thì hét lên, bỏ đi lang thang…

2. Giờ uống thuốc

Bệnh tâm thần không bao giờ chữa khỏi, phải uống thuốc suốt đời nhưng người bệnh lại rất khó uống thuốc. Do đó, người nhà phải theo dõi liên tục để đảm bảo bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, đủ liều, nhờ cậy bác sĩ nhắc nhở thường xuyên (thường bệnh nhân rất nghe lời bác sĩ).

3. Tuyệt đối không chọc ghẹo

Những hành vi tuyệt đối không được làm với người bệnh tâm thần là chọc ghẹo, ném đá, kích động, không tranh luận đến tận cùng vấn đề với họ. Tuyệt đối không được xúc phạm kiểu “mày tâm thần thì biết cái gì”.

4. Cách ly nguồn nguy hiểm

Phải chú ý cất kỹ những đồ gây sát thương như dao, kéo, gậy... Tránh để người bệnh ở một mình với trẻ em.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm