4 số điện thoại cần báo tin khi trẻ bị xâm hại

Sở Nội vụ TP.HCM vừa có tờ trình trình UBND TP về ban hành quy chế phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn TP.HCM.

Theo Sở Nội vụ, quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục gồm sáu bước, bao gồm: Tiếp nhận và phối hợp xử lý thông tin; đánh giá ban đầu mức độ tổn hại của trẻ em, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tạm thời cho trẻ em trong trường hợp đặc biệt; xác định nhu cầu cần hỗ trợ, can thiệp của trẻ em; xây dựng, phê duyệt kế hoạch hỗ trợ, can thiệp; thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp; rà soát, đánh giá sau khi thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp.

Sở Nội vụ cho biết khi phát hiện trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm thông báo ngay cho nơi tiếp nhận thông tin.

Em L., một nạn nhân bị xâm hại tình dục ở quận 9, TP.HCM. Ảnh: ĐÀO TRANG

Cơ quan tiếp nhận thông tin ban đầu chính là UBND cấp phường/xã/thị trấn (gọi tắt là cấp xã) nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi trẻ em cư trú, cơ quan công an các cấp, cơ quan LĐ-TB&XH các cấp hoặc đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ trẻ em: 111, 113, 1900.54.55.59, 1800.90.69. Nơi tiếp nhận thông tin phải chuyển ngay thông tin đến UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc. Lúc này, UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc xác minh, báo cáo kết quả cho chủ tịch UBND cấp xã và các cơ quan có liên quan.

Từ kết quả đó, chủ tịch UBND cấp xã sẽ cấp giấy giới thiệu trẻ em đến bệnh viện trên địa bàn để được khám và điều trị khẩn cấp.

Trong vòng tám giờ kể từ thời điểm nhận thông báo và hồ sơ từ bệnh viện, chủ tịch UBND cấp xã gửi kiến nghị khởi tố bằng văn bản kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan công an cấp xã để nơi đây gửi hồ sơ cho cơ quan CSĐT công an cấp quận/huyện để xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Trong vòng 12 giờ kể từ lúc nhận kiến nghị khởi tố, cơ quan CSĐT công an quận/huyện sẽ ra quyết định trưng cầu giám định, gửi hồ sơ cho VKS có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.

Cơ quan giám định sẽ phải có kết luận trong vòng hai ngày rồi gửi cho VKS thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.

Sau khi có kết quả xử lý, cơ quan CSĐT công an quận/huyện phải thông báo cho UBND xã và gia đình nạn nhân.

Trường hợp phải can thiệp khẩn cấp

Đặc biệt, trong thời gian nhanh nhất từ lúc nhận tin trẻ em đang bị đe dọa hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng hoặc cha, mẹ chính là người gây tổn hại cho trẻ em thì các đơn vị, cá nhân có liên quan phải can thiệp khẩn cấp.

Tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ và thay thế biện pháp chăm sóc trong vòng 12 giờ đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục hoặc có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm