À Ra Thế kỳ 3: Đã nhận trông giúp, làm mất phải đền

 Ông Quách Hữu Thái, Phó Chánh tòa Dân sự, TAND TP.HCM công bố đáp án À Ra Thế kỳ 3.

Nhiều bạn đọc đánh giá tình huống của kỳ 3 là tình huống rất đời thường mà ai cũng đã từng: nhờ người quen trông giúp tài sản cho mình. Thực tế, nếu xảy ra mất mát, thường ít ai đi níu áo người giúp mình mà hay tặc lưỡi “xui quá” và tự chịu. Nhưng đó là cách xử sự trọng tình cảm trong cuộc sống, còn theo quy định của pháp luật thì lại khác các bạn nhé.

Điều 124 BLDS 2005 (sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay) quy định: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”. Đồng thời, khoản 1 Điều 401 BLDS cũng quy định: “Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể,…”. Tuy nhiên, “Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó” (khoản 2 Điều 401). Đối chiếu với tình huống kỳ 3 ta thấy A nhờ B trông giúp chiếc xe máy và B đồng ý. Như vậy, có thể xác định giữa A và B đã phát sinh một giao dịch dân sự bằng lời nói, mà cụ thể là một giao kết hợp đồng dân sự bằng lời nói, trong đó: A là người gửi xe cho B và B là người có nghĩa vụ trông giúp xe cho A. Từ việc xác định này, chúng ta sẽ liên kết đến phần hợp đồng gửi giữ tài sản tại Mục 10 Chương XVIII của BLDS 2005 để xem thử việc giao kết hợp đồng dân sự về việc gửi giữ tài sản có bị buộc phải tuân theo hình thức nhất định hay không?

Rà soát các quy định từ Điều 559 đến Điều 566, BLDS về hợp đồng gửi giữ tài sản, chúng ta không thấy có quy định nào bắt buộc hợp đồng gửi giữ tài sản phải được lập thành văn bản, hay buộc phải được công chứng hoặc chứng thực, hay buộc phải đăng ký hoặc xin phép. Từ những quy định trên, chúng ta xác định được hai vấn đề: Hợp đồng gửi giữ tài sản bằng lời nói giữa A và B có giá trị thực hiện và hợp đồng gửi giữ này không trả tiền công (Điều 559 BLDS).

Khoản 2 Điều 561 BLDS về quyền của bên gửi giữ tài sản: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên giữ làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng” và khoản 4 Điều 562 BLDS về nghĩa vụ của bên giữ tài sản: “Phải bồi thường thiệt hại nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”. Cạnh đó, qua nội dung tình huống, chiếc xe bị mất là do B “mải mê với điện thoại”, đây không thuộc trường hợp bất khả kháng theo quy định. Do đó, B phải có nghĩa vụ bồi thường giá trị chiếc xe máy cho A nếu A có yêu cầu.

Ở quan điểm ngược lại, nhiều bạn đọc cho rằng: B không phải là người giữ xe chuyên nghiệp, B không cam kết sẽ không làm mất, B chỉ làm ơn trông giúp không thu tiền,… nên khẳng định đây không phải là hợp đồng gửi giữ tài sản và đi đến kết luận B không phải bồi thường cho A. Như đã nói ở trên, việc xác lập hợp đồng gửi giữ tài sản, pháp luật không bắt buộc bên giữ tài sản phải là người “chuyên nghiệp”. Đồng thời, Điều 559 BLDS quy định: trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công” và khoản 2 Điều 406 BLDS về các loại hợp đồng dân sự chủ yếu quy định: “Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ”. Như vậy, việc bên giữ tài sản chỉ trông giúp, không lấy tiền công không làm mất đi trách nhiệm bồi thường nếu bên giữ tài sản làm mất mát tài sản.

Từ các phân tích trên, đáp án của À Ra Thế kỳ 3 là: B phải đền giá trị chiếc xe máy cho A.

Các bạn đã có đáp án trùng với đáp án trên tiếp tục hồi hộp… phần 2 chờ À Ra Thế tổng hợp, phân loại đáp án để có con số người có đáp án đúng nhé. Các bạn có câu trả lời khác cũng xin đừng nản chí vì “thua keo này ta bày keo khác” và tham gia À Ra Thế với tinh thần Không được giải cũng được luật”.

Thân ái!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm