“Ai dọn thì dọn, tôi cứ xả!”

Những thói quen, những hành động thiếu ý thức đó đang gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường sống mà hiện giờ cộng đồng xã hội phải gánh chịu, trong số đó đương nhiên có cả những người đã góp phần gây ra.

Không cần đi đâu xa mọi người đều có thể dễ dàng nhìn thấy rác lềnh khênh, mặc kệ những câu khẩu hiệu tha thiết như “Hãy bỏ rác vào thùng”, “Xin cho tôi rác”... được đặt hầu hết ở những nơi công cộng có đông người qua lại. Rác vứt xuống đường tuy gây mất mỹ quan nhưng còn dễ dọn dẹp chứ rác vứt xuống kênh rạch thì hậu quả khó lường. Vì trong môi trường nước, rác sẽ bốc mùi hôi thối nồng nặc, vi trùng có điều kiện thuận lợi để phát triển và không dễ để có thể dọn dẹp ngay được. Từ nguyên do đó, nhiều kênh rạch của thành phố bị rác thải gây ô nhiễm và rất khó cải tạo.

Những người lớn tuổi thường tiếc nuối khi nhớ về những con kênh sạch sẽ với những ích lợi của nó. Thỉnh thoảng vào lúc rảnh rỗi, nhiều người có thể mang cần câu ra kênh câu cá. Nhưng nay khi phải sống ở những con kênh ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng, người còn muốn bệnh thì cá nào sống nổi!

“Ai dọn thì dọn, tôi cứ xả!” ảnh 1

Chỉ sau hơn một tháng nạo vét thì kênh Hy Vọng (quận Tân Bình, TP.HCM) lại đầy rác. Ảnh: MH

Thông qua các phương tiện truyền thông, nhiều cộng đồng dân cư thể hiện sự bức xúc trước nạn ô nhiễm ngày càng gia tăng của kênh rạch. Mới đây, người dân ở phường 15, quận Tân Bình kêu cứu vì kênh Tân Trụ và kênh Hy Vọng bị đầu độc bởi rác thải, nước thải, phân heo... Nhưng xem lại nguyên nhân thì sự cố phát sinh từ việc chăn nuôi không có hệ thống xử lý chất thải và việc vứt rác xuống kênh của một bộ phận dân cư sống gần hai con kênh này.

Một thực tế đáng buồn cho kênh rạch là dù được chính quyền và các đoàn thể đầu tư nạo vét, dọn vệ sinh nhưng chỉ thời gian sau, rác lại được nhiều người vứt xuống và tình hình ô nhiễm đâu lại vào đó, thậm chí tệ hại hơn. Xin lấy ví dụ ở kênh Hy Vọng, sau khi báo chí phản ánh thực trạng ô nhiễm thì chính quyền địa phương tổ chức dọn dẹp vệ sinh nhưng chỉ hơn một tháng sau, dưới lòng kênh lại ngập tràn rác thải.

Để giải quyết thực trạng trên, chính quyền các cấp đã tổ chức tuyên truyền rầm rộ, địa phương cũng đã xử phạt hành vi đổ rác xuống kênh rạch. Song kết quả vẫn chưa như mong muốn vì chính quyền không đủ lực lượng để canh chừng những người đổ trộm rác xuống kênh rạch.

Theo tôi, ngoài ý thức kém thì một số người vì ngại đóng tiền thu gom rác nên đã đổ trộm rác. Vậy tại sao không yêu cầu các hộ gia đình, các cá thể kinh doanh, chăn nuôi... đều phải ký hợp đồng thu gom rác? Khi đó, trừ những người vãng lai, những người cư trú tại địa phương sẽ đỡ thậm thà thậm thụt, nhìn trước ngó sau để vứt trộm rác.

thuong0012@yahoo.com

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm