Áp lực sống theo “quy hoạch” của cha mẹ

Áp lực sống theo “quy hoạch” của cha mẹ ảnh 1

Đẩy con vào thế khó

Thạc sĩ tâm lý học Lê Thị Linh Trang, viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết đã được không ít phụ huynh trao đổi riêng tại các buổi tư vấn hướng nghiệp ở các trường THPT: “Chỗ nào có thể chữa bệnh thần kinh cho con tôi?” Khi hỏi lại: “Cháu bị làm sao?”, người mẹ nức nở: “Hình như nó học nhiều quá nên “mát” rồi cô ơi...” Gặp riêng nam sinh này, chuyên viên tư vấn nghe em bộc bạch ba mẹ muốn em thi vô trường kiến trúc vì ba làm kỹ sư xây dựng, em học xong hai cha con mở công ty sẽ rất thuận lợi. Ban đầu, em cũng thấy ham, đăng ký đi luyện thi vẽ nhưng bây giờ mới ngán vì chẳng có tí năng khiếu, tới lớp học thêm vô cùng căng thẳng. Em trốn ba mẹ nghỉ vẽ đi học thanh nhạc, và định làm hai bộ hồ sơ cho ba mẹ yên tâm rồi sau đó đến lúc thi sẽ tính tiếp.

Chính điều này khiến em thấy căng thẳng, chứ có bệnh gì đâu. “Trong trường hợp này, phải chăng người cần được điều trị chính là cha mẹ? Kỳ vọng quá mức vào con, trao cho con một sứ mạng nặng nề mà trước đây bản thân cha mẹ chưa hoàn thành được, bất kể khả năng và nguyện vọng của con thế nào là một trong những căn bệnh dễ mắc phải của cha mẹ khi định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho con”, bà Trang nói.

Theo diễn giả Quách Tuấn Khanh: “Có một điều hết sức buồn cười, đó là cha mẹ nào cũng quả quyết rằng mình rất yêu thương con cái và mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho chúng, nhưng lại làm điều ngược lại, là tước đi của con quyền được sống cuộc đời của chính nó”. Bằng chứng là cha mẹ thường đặt rất nhiều kỳ vọng vào con cái mà không tìm hiểu xem con mình thật sự mong muốn gì, có thiên hướng gì, và đâu là con đường phù hợp cho chúng. Mà thường những kỳ vọng ấy chính là những ước mơ hay mong muốn không thành của cha mẹ. Vậy là con trẻ phải sống nốt phần đời chưa trọn của cha mẹ, còn đời chúng thì chẳng biết ra sao.

Để con được sống đời mình

Theo thạc sĩ Linh Trang, cha mẹ cần tuỳ thuộc động cơ nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình và nhất là sức học hiện tại của con mà định hướng và cùng con chọn tương lai. “Việc hướng nghiệp của cha mẹ cho con là sự quan trọng cần làm nhưng phải có cách tác động phù hợp, tránh can thiệp thô bạo vào việc lựa chọn. Cha mẹ chỉ nên hỗ trợ, đóng vai trò tư vấn chứ đừng vội quyết định đường đi thay trẻ”, bà Trang lưu ý.

Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết, nhiều bậc cha mẹ do muốn con có một tương lai tốt đẹp nên thường bắt ép con cái phục tùng ý mình; họ hay chỉ trích những ước mơ của con với những đánh giá chủ quan mà không xét đến sở thích, năng khiếu... của trẻ. Trẻ càng nhỏ càng nhiều ước mơ, nhiều mong muốn và những suy nghĩ đó của trẻ sẽ biến đổi theo hoàn cảnh và thời gian.

Sự gần gũi, sẻ chia và đồng cảm với trẻ sẽ giúp cha mẹ có thể lèo lái con đi đến một quyết định đúng đắn. Những suy nghĩ chủ quan, không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của con cái, có thể khiến đôi khi cha mẹ vô tình trở thành người đánh cắp ước mơ của con, áp đặt trẻ thực hiện những ước mơ mà mình chưa thực hiện được. “Chẳng ai có thể thực hiện tốt giấc mơ của người khác”, thạc sĩ Mỹ Linh nói.

Theo Bích Trà – Mai Châu (SGTT.VN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm