Bạn đọc hiến kế 'xử' vụ nhặt 5 lượng vàng ở Cà Mau

Như PLO đã đưa tin, liên quan vụ tranh chấp gói vàng 5 lượng nhặt được trong khi phân loại rác, ngày 24-9, chị Phạm Tuyết Mai (35 tuổi, xã Tân Dân, Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, người nhặt được vàng) đã nộp đơn khởi kiện chị Nguyễn Thị Bích Ngân (31 tuổi, phường 8, TP Cà Mau,người nhận là chủ số vàng) đến TAND TP Cà Mau.

Trên www.plo.vn ngày 24-9, chúng tôi đặt vấn đề “bạn sẽ “xử” thế nào vụ nhặt 5 lượng vàng ở Cà Mau” và đông đảo bạn đọc đã hào hứng tham gia.

Chưa bàn việc chị Mai kiện chị Ngân có đúng luật, có được tòa thụ lý hay không vì đó là quan hệ khác, bạn đọc chỉ “mách nước” vào phần “phán quyết”.

Điều bất ngờ là số ý kiến cho chị Mai hưởng quyền theo luật lại chiếm thiểu số so với lập luận phải xem số vàng này là vật chứng của một mất trộm để trả lại cho chị Ngân.

Người nhặt vàng được hưởng
Cho là chị Mai được hưởng số vàng theo quy định, bạn Thành Trung nêu: Chị Mai có đầy dủ cơ sở pháp lý để được hưởng quyền số vàng trên. Bởi sau khi nhặt vàng, chị đã làm đúng các thủ tục theo luật…
Đồng tình với quan điểm này, bạn đọc Long viện dẫn: Theo pháp luật Việt Nam, nếu quá thời hạn thông báo truy tìm 1 năm mà không có người đến nhận thì tài sản đó phải phải thuộc về người nhặt theo Điều 241 Bộ luật Dân sự.

Lo ngại chuyện xáo trộn luật pháp trong khi luật thực định đã rõ, bạn đọc KGB viết: “Tòa án giải quyết dựa trên quy phạm pháp luật thực định đang có hiệu lực chứ không dựa vào quy phạm đạo đức. Chị Mai hưởng quyền là đương nhiên”. 

Tuy nhiên, bạn cũng “mở lối”: Nếu chị Ngân không chứng minh được vì lý do "khách quan" nên không thể biết sớm hơn thông báo truy tìm vàng của công an thì mới giải quyết cho chị Mai hưởng phần.

Bạn Hai lúa thì “xử”: Chị Mai không phải kiện tụng gì cả. Số vàng trên chị phải được hưởng là đúng nghĩa, đúng lý và đúng luật!...
Dù là thiểu số “xử” cho chị Mai được hưởng số vàng theo thời hiệu hưởng quyền nhưng những bạn theo quan điểm này cũng lưu ý là “nên giải quyết cho chị Ngân, người được cho là đã mất vàng, một khoản tiền nhất định”. Thế nhưng các bạn lại không nêu được căn cứ pháp lý xác đáng nào mà là theo quy phạm đạo đức.
Là tang vật một vụ trộm?
Đa phần các ý kiến còn lại cho là phải giao trả số vàng cho người bị mất với lập luận: Số vàng trên không phải là vật đánh rơi, bỏ quên mà nó là tang vật của một vụ trộm.

Bạn Phan Tấn Tài viện dẫn: Quy định tại điều 241 BLDS là điều chỉnh đối với trường hợp "do người khác đánh rơi, bỏ quên". Vàng của chị Ngân không phải là đánh rơi hay bỏ quên mà có dấu hiệu của tội phạm (bị trộm cắp). Khi công an tiếp nhật trình báo (vụ mất trộm) phải có nghĩa vụ phải khởi tố vụ án. Lúc tìm được tài sản, phải trả lại cho bị hại. “Chị Mai được tặng thưởng là đạo lý nhưng tùy vào chủ sở hữu chứ không thể đòi "chia" được”, bạn viết.

Bạn còn đặt vấn đề: Nếu cho rằng chị Mai hưởng phần là tôn trọng pháp luật thì trả lại tài sản cho chủ sở hữu bị mất là không tôn trọng pháp luật hay sao? “Chúng ta dạy con mình là khi nhặt được tài sản phải trả lại cho người bị mất… nên trả lại vàng cho chị Ngân”, bạn viết.

Còn bạn rongiaphong hỏi: Chủ số vàng đã có báo mất thì hà cớ gì không trả lại người chủ? Đâu phải ai cũng xem tivi, đọc báo hàng ngày để biết thông báo truy tìm của công an. “Tôi ở mãi tận Hà Nội, chẳng họ hàng gì với bà chủ số vàng nhưng tôi khẳng định là phải trả lại cho người chủ thực sự của nó”.

Chị Mai, người nhặt được ví có gần 5 lượng vàng đã khởi kiện để đòi quyền lợi.

Hàng chục bạn đọc khác như Lý Đức Trí, Nguyễn Thị An, Luật gia, Nguyễn Văn Ren… đều cho rằng 5 lượng vàng là tang vật một vụ trộm (dù chưa rõ thủ phạm) nên khi tìm thấy phải trả lại cho bị hại. “Không vì chuyện chưa khởi tố vụ án mà tước mất quyền của chủ sở hữu”, bạn Trà nêu.

Trả vàng nhưng có… hậu tạ

Có vẻ thiên về phía chị Ngân, bạn Honeymoonccpt viết: Ngay cả công an cùng địa phương mà cũng không kết nối được thông tin chị Ngân báo mất vàng với việc tiếp nhận vàng từ chị Mai thì nói gì đến người dân.

“Khi giải quyết, phải đặt nó trong mối liên quan chứ không thể tách rời hai mối quan hệ này được. Nếu lập luận “luật đã rõ, thượng tôn pháp luật” để tước quyền sở hữu của chị Ngân thì người mất vàng cũng có quyền bác bỏ với lý lẽ “5 lượng vàng bị trộm, tôi đã trình báo công an. Giờ tìm được, sao không giao lại?”, lúc ấy làm sao ăn nói với chị Ngân và người dân”, bạn viết.

Cũng nghiêng về việc trả vàng nhưng có “chiếu cố đến người nhặt”, bạn đọc VĐD nêu: “Hai quan điểm đều có cơ sở nhưng cơ sở pháp lý của quan điểm này không phủ định được cơ sở pháp lý của quan điểm kia thì phải lấy đạo đức để giải quyết, đó là nhặt được của rơi phải trả lại cho người mất. Chị Ngân cũng phải hậu tạ cho chị Mai, mức hậu tạ do chị quyết định”.

***

Một vụ việc tưởng chừng đơn giản nhưng theo thời gian lại hóa ra ngày càng phức tạp. Các cơ quan chức năng ở Cà Mau vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để có hướng giải quyết phù hợp, đúng đắn đối với vụ việc này. PLO sẽ thông tin đến bạn đọc những diễn biến mới nhất của câu chuyện nhặt vàng hy hữu nêu trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm