Bán gạo 1.000 đồng/kg cho người nghèo

Đã năm năm nay, cứ khoảng 10 giờ 30, tại 36A Ngô Gia Tự, TP Phan Rang Tháp Chàm, Ninh Thuận, lại có nhiều người tập trung. Họ đủ mọi thành phần, làm thuê, lượm ve chai, đạp xích lô, người khuyết tật... tới để ăn bữa trưa tại quán cơm Nụ Cười Phan Rang 2.000 đồng.

Quán Nụ Cười Phan Rang ra đời sau một lần luật sư Lê Vi trò chuyện với nhà báo Nam Đồng, người sáng lập chuỗi quán cơm xã hội Nụ Cười.

Bên cạnh những khách quen cũ thì vài ngày nay, tại quán có nhiều người mới xuất hiện.

Họ là những người có sức khỏe, nghề nghiệp chủ yếu là làm thuê, làm mướn kiếm ăn qua ngày. Mùa dịch bệnh phải cách ly toàn xã hội, hầu hết cơ sở kinh doanh, dịch vụ đều tạm đóng cửa nên họ thất nghiệp.

Quán cơm Nụ Cười Phan Rang cũng phải thực hiện theo các quy định cách ly toàn xã hội nên giờ đây không kê bàn ghế cho khách ăn mà đóng hộp cho mang về.

Do ảnh hưởng của dịch nên giá cơm ngày thường gồm bốn món giá 2.000 đồng/phần thì nay được hạ giá còn 1.000 đồng/phần. Hôm qua, quán có thêm dịch vụ bán gạo giá 1.000 đồng/kg cho người khó khăn.

Một người nghèo đến quán cơm mua một suất sơm và một bịch gạo với tổng chi phí 2.000 đồng. Ảnh: THANH SƠN

Dịch kéo dài khiến nhiều người lâm vào cảnh túng bấn, đến mua cơm và gạo 1.000 đồng. Ảnh: THANH SƠN

Bác xích lô chần chừ hoài vì không có tiền, được người của quán ra kêu vào nhận cơm và gạo.  Ảnh: THANH SƠN

Chưa đến giờ phát cơm, một em học sinh vào trao cho chủ quán chiếc phong bì, bên trong có 1 triệu đồng. Tôi hỏi, em cho biết mình tên là Phan Nguyễn Trung, học lớp 10 Trường Chu Văn An, đây là tiền riêng của em. Em được cha mẹ khuyến khích đến góp vào quán Nụ Cười với lý do: Thấy trong mùa đại dịch COVID-19 này nhiều người nghèo gặp khó khăn nên muốn góp một phần cùng với quán để giúp đỡ họ.

Cầm hộp cơm và bịch gạo ra về, ông PL (73 tuổi, sống độc thân ở phường Phước Mỹ), đã mấy chục năm làm nghề đạp xe xích lô, nói: “Già mà đạp xích lô như tui bây giờ không kiếm đủ ăn, ngày nào nhiều nhất được 50.000, có ngày không được đồng nào, năm năm nay cứ trưa nào cũng đến đây để ăn cơm”.

Một phụ nữ 72 tuổi tên là TTH, nhà ở phường Đài Sơn cũng thường xuyên ăn cơm ở đây. Bà làm nghề lượm ve chai, gia đình đông miệng ăn. Bà nói: “Hơn chục ngày nay phường thông báo phải ở nhà nên đã nghèo lại càng khó khăn, cũng may trưa có cơm, từ hôm nay thì chiều có gạo nấu nhờ mua 1.000đ/kg ở quán Nụ Cười”.

 “Cực chẳng đã mới phải ghé đây, anh ạ! Tui làm mướn ở một nhà hàng, thường ngày chịu khó, chắt chiu cũng đủ nuôi con, nay quán đóng cửa và cho nhân viên nghỉ làm nên thực sự là khó khăn, không biết kiếm tiền đâu ra. Được cái anh chị em ở quán Nụ Cười rất vui vẻ giúp đỡ mọi người và mua cơm, gạo giá rẻ nên tới ăn và mang gạo về cũng bớt tủi thân”. Chị PTH, 42 tuổi, nhà ở phường Kinh Dinh, nói sau lớp khẩu trang. Chị có chồng bị tai nạn giao thông mất, một mình nuôi hai con nhỏ và đang phải gồng mình đi qua mùa dịch.

12 giờ trưa, 100 suất cơm đã bán xong nhưng vẫn còn nhiều người tới bỏ vô thùng 1.000 đồng để mang về một túi gạo.

Có bác xích lô lúng túng đứng hoài mà không tới quầy, nhân viên quán dường như biết ý, vui vẻ nói cứ lấy đi, mai trả tiền cũng được. Trên khuôn mặt lam lũ của bác bỗng nở nụ cười. Nụ cười hạnh phúc của cả người trao và người nhận.

“Thật ra bán 1.000 đồng/kg gạo chỉ là mua bán tượng trưng để người nghèo không tủi thân khi phải mang tiếng là đi xin gạo thôi, coi như họ không mắc nợ ai. Chứ thực tế ai không có tiền đến lấy gạo về nấu vẫn được” - anh nhân viên nói.

Có nhiều người cùng góp sức

Tôi định mua cái máy bán gạo như nhiều nơi nhưng chờ sản xuất lâu quá nên ngoài việc duy trì nấu 100 suất cơm, tôi huy động anh em bỏ gạo vô túi. Mỗi túi 1 kg để người nghèo đến mua. Mọi người tới đây tự giác bỏ 2.000 đồng vào thùng và mang về một hộp cơm và 1 kg gạo, ai không có tiền cũng được nhận.

Dự kiến mỗi ngày sẽ xuất bán 4 tạ gạo, đồng giá 1.000 đồng cho người nghèo.

Ngay sáng qua, khi quán mở bán gạo 1.000 đồng cho bà con, nhiều anh em bạn bè cũng chung tay ủng hộ. Công ty Gạch men Hoàng Tuấn tới trao 5 triệu đồng. Một cán bộ công an tỉnh vừa gọi điện thoại sẽ chở tới 250 kg gạo nhờ nấu cơm giúp người nghèo và người đang gặp khó khăn. Hiện tại, các nhà hảo tâm đã tới ủng hộ quán Nụ Cười trên 2,9 tấn gạo và 6,5 triệu đồng.

Ông LÊ VIchủ nhiệm quán cơm Nụ Cười Phan Rang 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm