Băn khoăn việc xử phạt hành vi cầm cố CMND hoặc CCCD

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy và phòng chống bạo lực gia đình.

Nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên phạt nặng việc cầm cố, thế chấp CMND hoặc CCCD nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Ảnh: TUYẾN PHAN

Dự kiến nghị định mới sẽ thay thế Nghị định 167/2013, quy định cùng về các nội dung nêu trên.

Đáng chú ý, tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất nhiều quy định mới liên quan đến vấn đề cấp, quản lý, sử dụng CMND hoặc CCCD.

Cầm cố, thế chấp, mua, bán, cho thuê… đều bị phạt

Điều 10 của dự thảo quy định xử phạt 4-6 triệu đồng đối với nhóm hành vi sau: Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại CMND hoặc CCCD; mua, bán, thuê, cho thuê CMND hoặc CCCD. Ngoài ra, người vi phạm còn buộc phải nộp lại CMND, CCCD hoặc số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

Trong khi đó, Nghị định 167/2013 (đang có hiệu lực) quy định xử phạt 1-2 triệu đồng đối với hành vi thuê, mượn hoặc cho thuê, cho mượn CMND để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật; xử phạt 4-6 triệu đồng đối với hành vi thế chấp CMND để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

Như vậy, có hai điểm mới của dự thảo so với quy định hiện hành.

Thứ nhất, Bộ Công an nâng mức phạt đối với hành vi thuê, mượn hoặc cho thuê, cho mượn bằng với hành vi thế chấp, cầm cố; đồng thời bổ sung việc mua, bán CMND hoặc CCCD vào nhóm hành vi vi phạm.

Thứ hai, Nghị định 167/2013 quy định chỉ xử phạt các hành vi trên nếu mục đích là “để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật”, còn dự thảo bỏ cụm từ này, nghĩa là chỉ cần thuê, cho thuê,  cầm cố, thế chấp CMND hoặc CCCD là sẽ bị phạt.

Ngay sau khi đăng tải, dự thảo của Bộ Công an nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ dư luận. Phần lớn đều ủng hộ việc nghiêm cấm và phạt nặng đối với nhóm hành vi như đã nêu, tuy nhiên nhiều người còn băn khoăn có nên cấm tuyệt đối việc cầm cố, thế chấp CMND hoặc CCCD hay không.

Đẩy lùi “tín dụng đen”, tránh bị lộ lọt thông tin

Một nguồn tin am hiểu từ Bộ Công an cho biết dự thảo nghị định được xây dựng căn cứ vào các văn bản luật liên quan, trong đó có Luật CCCD năm 2014.

Điều 7 Luật CCCD năm 2014 nghiêm cấm các hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại CCCD… Chính vì vậy, dự thảo quy định xử phạt các hành vi này là hoàn toàn phù hợp, đúng quy định pháp luật.

Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất trong dự thảo.

Theo ông, hiện nay tình trạng mua, bán, trao đổi CMND diễn ra tràn lan, khó kiểm soát. Điều này sẽ tạo điều kiện cho hành vi giả danh, giả mạo, lộ lọt thông tin cá nhân. Thậm chí, các đối tượng tội phạm có thể sử dụng vào mục đích thực hiện hành vi phạm tội, ví dụ sử dụng CMND của người khác để mở tài khoản ngân hàng nhằm thực hiện giao dịch “tiền bẩn” chẳng hạn.

Việc nghiêm cấm và xử phạt nhóm hành vi mua, bán, thuê, cho thuê CMND hoặc CCCD sẽ góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” cũng như các hệ quả vừa liệt kê.

Tuy vậy, ông Hiếu cũng bày tỏ một chút băn khoăn xung quanh đề xuất của Bộ Công an liên quan đến hành vi cầm cố CMND/CCCD.

Trong lĩnh vực dịch vụ cầm đồ (được cấp phép), số lượng người cầm cố giấy tờ tùy thân là khá nhiều. Hình thức này đáp ứng các khoản vay nhỏ, cũng là “phương án tối ưu” của những người có khả năng tài chính thấp (sinh viên, người lao động…).

Ông Hiếu đặt vấn đề nếu xử phạt hành vi cầm cố, thế chấp CMND hoặc CCCD thì giữa quy định pháp luật và thực tiễn đời sống có tương thích với nhau không, khả năng thực hiện trên thực tế có khả quan hay không.

“Một người đang cần tiền gấp nhưng không có gì (xe máy, điện thoại…) để thế chấp mà chỉ có giấy tờ tùy thân, liệu có nên giải quyết cho họ vay tiền hay không?” - vị trung tá đặt câu hỏi.

 

Chỉ nên phạt nếu cầm cố để làm việc xấu

Cả Nghị định 05/1999 về CMND và Luật CCCD năm 2014 đều quy định CMND hoặc CCCD là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam.

Trên thực tế, giấy tờ tùy thân (CMND, CCCD, giấy phép lái xe, bằng tốt nghiệp…) dù không thể quy đổi thành vật chất và không có giá trị trên thị trường nhưng là những giấy tờ có giá trị quan trọng để thực hiện các giao dịch, do vậy nhiều người rơi vào cảnh ngặt đã cầm cố để có tiền xài tạm.

Những giấy tờ này được xem như vật của chủ sở hữu, vì vậy được xem là một tài sản. Điều này đồng nghĩa chủ sở hữu có quyền cầm cố hoặc thế chấp để đảm bảo cho các giao dịch dân sự (hợp đồng vay tiền chẳng hạn).

Trong nhiều trường hợp, việc cầm cố CMND hoặc CCCD không có gì là xấu, giúp giải quyết khó khăn tạm thời của người dân. Ví dụ đang đi thì xe hết xăng, không mang theo tiền hoặc không có tiền mua vé xe về quê, cầm cố CCCD khi ấy dù chỉ vài chục ngàn, vài trăm ngàn nhưng rất cấp bách.

Tuy nhiên, Luật CCCD năm 2014 lại nghiêm cấm hành vi cầm cố, nhận cầm cố CCCD… Do đó khi xây dựng nghị định, Bộ Công an và các cơ quan liên quan cần xem xét, tính toán đến những tình huống phát sinh trong đời sống như ví dụ đã nêu.

Tôi cho rằng dự thảo nghị định mới nên kế thừa quy định tại Nghị định 167/2013, nghĩa là chỉ xử phạt việc cầm cố, thế chấp CMND hoặc CCCD nhằm thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật nào đó.

Luật sư DIỆP NĂNG BÌNHĐoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm