Bạo lực không nhiều thì ai cần gắn camera?

Qua một số vụ bạo hành ở trường mầm non được công bố gần đây, xã hội tức giận, nhà quản lý bất ngờ còn phụ huynh thì lòng nóng như lửa đốt, loay hoay tìm cách bảo vệ con em mình. Ý tưởng gắn camera trong mỗi lớp học ở bậc mầm non nảy sinh từ nhu cầu đó.

Nhiều phụ huynh vỗ tay

Đại đa số phụ huynh ủng hộ đề xuất này bởi một số lý do rất cụ thể sau:

Tăng khả năng kiềm chế của giáo viên

Nuôi dạy trẻ là nghề nhiều áp lực, khi căng thẳng, việc giáo viên (GV) vung tay chân với trẻ là khó tránh. Nếu không có camera, trước mặt thì toàn trẻ em, không bị khống chế GV sẽ bùng nổ cơn giận của mình dễ dàng, điều này gây nguy hiểm cho trẻ.

Theo tôi, đặt ra một sự khống chế đối với GV mầm non là cần thiết bởi đó là môi trường dễ xảy ra bạo hành nhất. Trong khi phẩm chất, trình độ sư phạm của nhiều GV còn chưa đảm bảo, ban giám hiệu chạy theo thành tích, ngại tiếng xấu còn học sinh lại quá nhỏ thì camera là hy vọng cuối cùng cho phụ huynh. Dưới camera, mỗi GV sẽ biết kiềm chế, kiểm soát cơn giận của mình hơn.

 Chị Phương Trang (quận Tân Phú)

Camera trong lớp học có giải quyết được bạo hành? Ảnh minh họa

Thêm thông tin cho phụ huynh

Phụ huynh thuộc rất nhiều thành phần khác nhau, có người cảm thông nhưng rất nhiều người chỉ cần thấy GV đánh con mình là nổi lửa ngay dù có khi ở nhà họ cũng đánh con. Việc gắn camera là cần thiết vì thêm một kênh thông tin, vừa cho phụ huynh yên tâm vừa là căn cứ đối chiếu choGV nếu lỡ bị phụ huynh “kiện” vì đánh con họ. Tuy nhiên, các trường nên có thỏa thuận từ đầu với gia đình rằng một số biện pháp giáo dục, răn đe trong giới hạn sẽ được áp dụng, tránh để phụ huynh phản ứng thái quá trước những hình ảnh xem được qua camera.

Chị Tú Quyên (quận 12)

Camera chỉ dùng khi có chuyện

Phụ huynh chỉ siêng coi camera trong thời gian đầu, chủ yếu để xem con ăn ngủ ra sao chứ không nhằm bắt giò GV. Sau đó thì sẽ buông, hình ảnh camera chỉ dùng tới khi xảy ra sự việc lớn đến mức phải truy cứu. GV không cần quá căng thẳng, thậm chí nếu không làm gì sai trái, quá mức, họ cần hiểu camera sẽ bảo vệ họ trong trường hợp “đụng” phải phụ huynh quá khích.

Chị Thùy Trang (Tân Bình)

Phụ huynh muốn quan sát việc ăn ngủ của con. Ảnh minh họa

Điều chỉnh cái chưa hợp lý

Cơ quan tôi cũng gắn camera nhưng ai nấy vẫn thoải mái, tự do. Khi tập trung vào công việc chẳng ai còn bận tâm tới camera. Camera chủ yếu để lưu giữ hình ảnh, không phải để theo dõi nên nói camera gây áp lực tâm lý là quá lo xa. Cạnh đó, mặt tích cực của camera là qua nó phụ huynh, ban giám hiệu có thể phát hiện sự bất hợp lý, chưa ổn thỏa (nếu có) trong thời gian biểu sinh hoạt, hoạt động của trẻ… để góp ý, điều chỉnh thích hợp hơn, tốt cho trẻ hơn. Đôi khi, thấy được khối lượng công việc của các cô khi chăm con mình, phụ huynh còn trân trọng và yêu quý thầy cô, nhà trường hơn nữa.

Anh Minh Tuấn (Bình Thạnh)

Khi niềm tin bị sụp đổ

Là người trong cuộc, cô giáo mầm non Trần Thị Như Quỳnh cho biết rất hiểu nỗi lo của các bậc phụ huynh, tuy nhiên vấn đề bạo lực học đường thường xảy ra ở các lớp tư nhân. “Gắn camera cũng có tác dụng tốt nhưng nếu trong suốt tám tiếng ở với trẻ dưới camera, GV sẽ cảm thấy bị theo dõi, không thoải mái trong quá trình làm việc. Trong một số trường hợp, GV phải dọa, răn đe trẻ thì lại gây hiểu lầm cho các bậc phụ huynh” - cô bày tỏ.

Cảm thông với ý kiến này, một phụ huynh cũng chia sẻ: “Đối với trường công, sự cạnh tranh thi đua giữa các GV là có thật, thậm chí khốc liệt, do vậy đối tượng giám sát GV tốt nhất chính là đồng nghiệp của họ. Như sự việc xảy ra ở Trường Mầm non 30-4 sẽ không bao giờ bị phanh phui nếu chính đồng nghiệp trong trường không bí mật ghi hình. Camera vẫn có góc mù nếu muốn đánh trẻ, ngược lại khi con người cảm thấy bị theo dõi, trạng thái căng thẳng càng tăng và nguy cơ xảy ra bạo hành càng nhiều”.

Vụ việc bạo hành xảy ra ở Trường 30-4. Ảnh cắt từ clip

Trong khi đó, theo một chuyên gia giáo dục, việc lắp camera cho thấy sự lung lay về niềm tin, nghi ngờ lẫn nhau, đây là một thất bại của ngành giáo dục. Vị này nói: “Không có nước tiến tiến nào trên thế giới sử dụng camera trong lớp học. Một hiệu trưởng đã nói lắp camera cho thấy nhà trường không tin tưởng vào đội ngũ của mình, mặt khác GV sẽ cảm thấy không được tôn trọng”.

GV phải có được cảm giác tôn trọng và tin tưởng, họ mới có thể cảm thấy thoải mái và toàn tâm trong việc dạy học. Camera không phải là công cụ để giải quyết nạn bạo hành bởi một khi đã muốn bạo hành thì vẫn có thể thực hiện, vẫn có những khoảng trống camera không thể soi chiếu.

Ai cũng mong muốn con trẻ có một môi trường học tập an toàn, yêu thương. Ảnh minh họa

“Để giải quyết vấn đề bạo lực, trước hết phải có cơ chế rõ ràng trong tuyển dụng, phải thay đổi tiền lương cho GV, thay đổi nhận thức của người quản lý và đặc biệt, cần trang bị cho phụ huynh dấu hiệu con họ bị bạo hành và các quy chế, cách thức phát hiện ra con họ bị bạo hành” - vị chuyên gia chỉ rõ.

GV ở đây không bao giờ có khái niệm hay hành vi đánh trẻ, GV mầm non càng không có. GV cũng là con người, có thương ít thương nhiều đối với từng bé nhưng họ luôn luôn làm tròn bổn phận của mình, chăm sóc, vui chơi với trẻ và chú ý từng chi tiết như một lẽ tất nhiên. Nếu xảy ra bạo hành, GV chắc chắn mất việc. Nếu biết phụ huynh lỡ đánh con, họ còn nhắc nhở phụ huynh nữa là khác. Cho nên chúng tôi chưa từng nghĩ đến chuyện phải có camera trong lớp học của con, camera để làm gì?

Chị Hoàng Hà (định cư tại Nhật Bản)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm