Bắt người vì nghi bị truy nã, xử sao?

Ông Trần Huyền Thoại phản ánh tối 16-2, ông ra bờ kè Công viên Phan Văn Trị (TP Biên Hòa, Đồng Nai) ngồi uống nước với bạn bè. Bất ngờ nhóm ông Nguyễn Phước Tuấn gồm năm người khống chế ông lên xe máy rồi chở thẳng đến Công an phường Quang Vinh (TP Biên Hòa).

Bị tố truy nã

Tại đây, ông Tuấn cho rằng ông đang “trốn lệnh truy nã của Công an tỉnh Đồng Tháp và lừa đảo chiếm đoạt nhiều ô tô ở tỉnh Bình Dương”, đề nghị công an xử lý. Khi được hỏi tại sao biết việc này, ông Tuấn bảo nghe mọi người nói lại như vậy!

Nghe xong, ông Thoại hoảng hồn bảo ông Tuấn vu khống và yêu cầu công an phải xác minh rõ. Trước tình hình này, cơ quan công an đã lập biên bản và liên lạc với công an xã nơi ông Thoại cư trú thì được nơi đây xác nhận ông Thoại không có lệnh truy nã. Sau ba giờ ở trong trụ sở công an phường, ông Thoại và nhóm ông Tuấn được ra về.

Ngay sau đó, ông Thoại làm đơn đề nghị cơ quan công an xử lý nghiêm hành vi vu khống, bắt giữ người trái pháp luật của nhóm ông Tuấn. Ông Thoại cho hay nguyên nhân bị nhóm của ông Tuấn bắt giữ đưa đến công an phường là do trước đây hai người có làm ăn với nhau nhưng do mâu thuẫn về việc tiền bạc, ông Tuấn đã chiếm dụng 9 triệu đồng tiền góp vốn. Sau này vì muốn trả thù nên ông Tuấn mới vu khống, bắt ông Thoại đưa đến công an.

 
Ông Thoại phản ánh vì mâu thuẫn mà ông bị người khác giả tố cáo bị truy nã để trả thù… Ảnh: VĂN NGỌC

“Dù tôi gửi đơn đã lâu nhưng cho đến nay vụ việc vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết” - ông Thoại nói thêm.

Cố tình vu oan sẽ bị xử lý

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Trung tá Lê Văn Hưng - Phó Trưởng Công an phường Quang Vinh cho biết đúng là trong biên bản làm việc, ông Tuấn có nói ông Thoại đang trốn lệnh truy nã. Công an phường nhanh chóng xác minh, làm rõ và biết được không có việc ông Thoại bị truy nã như ông Tuấn nói. Sau đó công an phường đã nhắc nhở ông Tuấn về việc bắt người đưa về trụ sở công an vì nếu nghi ngờ người đó đang phạm tội thì phải báo cho công an khu vực gần nhất. Việc bắt người này trước mắt rất khó xử lý vì ông Tuấn không giam giữ, đánh đập ông Thoại…

“Chúng tôi đang mời ông Tuấn đến làm việc để làm rõ mục đích khi bắt giữ ông Thoại đưa về trụ sở công an. Nếu ông Tuấn biết trước ông Thoại không có lệnh truy nã mà cố tình vu khống, bắt người thì sẽ lập hồ sơ xử lý theo đúng quy định” - Trung tá Hưng khẳng định.

Về việc vu khống, luật sư Trần Hoàng An (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) nhận định nếu có chứng cứ cho thấy có việc vu khống người khác, đủ mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người vi phạm sẽ bị xử lý về tội vu khống theo Điều 122 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, điều luật quy định: Người nào bịa đặt hoặc biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi ích người khác hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

VĂN NGỌC

 

Có dấu hiệu tội bắt người trái pháp luật

Pháp luật hình sự cho phép mọi công dân có quyền tố giác tội phạm và giúp cơ quan công an phát hiện cũng như khống chế người khác có hành vi phạm tội. Tuy nhiên, những hành vi đó của người tố giác phải xuất phát từ động cơ trong sáng, trong bối cảnh tự nhiên chứ không vì ý đồ gì khác…

Giả sử anh A vô tình đọc được thông tin về các đặc điểm nhận dạng đối tượng hoặc thấy ảnh trong lệnh truy nã (lệnh truy nã có thể không có ảnh) giống với anh B thì anh A có quyền báo cho công an hoặc bằng cách nào đó tự mình hoặc cùng người khác khống chế đưa đến công an. Trong tình huống này, nếu anh A tố giác nhầm người thì đúng là không cần và cũng không có chế tài xử lý trách nhiệm của anh A. Bởi lúc này lỗi của anh A là vô ý do nhầm lẫn. Thực tế trong xã hội cũng có nhiều người giống nhau.

Nhưng nếu trước đó hai bên có mâu thuẫn, vì muốn trả thù hoặc làm quê mà anh A cho là giống người trong lệnh truy nã để bắt giữ rồi đưa đến công an thì khác. Lúc này hành vi của anh A mang ý chí trả thù cá nhân, nhằm mục đích xâm hại đến quyền tự do thân thể của anh B được pháp luật bảo vệ. Đây là lỗi cố ý. Nếu nhận thấy có dấu hiệu của sự việc là như vậy thì công an phải tiếp nhận và thụ lý đơn tố cáo của anh B.

Cụ thể công an phải xác minh xem đằng sau hành vi của anh A có uẩn khúc gì không để đánh giá toàn diện sự việc. Nếu thấy anh A nhằm mục đích trả thù cá nhân thì hoàn toàn có thể xử lý hành chính hoặc hình sự về hành vi bắt người trái pháp luật theo Điều 123 BLHS. Hành vi của anh A đã xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền tự do của anh B. Nó gây hậu quả ảnh hưởng không tốt không chỉ đối với anh B mà còn đối với cả người thân, gia đình. Hành vi này không gần với dấu hiệu của tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống.

            TS NGUYỄN DUY HƯNG, Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương)

THANH TÙNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.