Bé gái bị ống nước bể bơi hút tay và lời khuyên của cảnh sát

Khoảng 16 giờ 30 phút chiều 2-7, tổng đài 114 Công an TP Hà Nội nhận tin báo của người dân về việc một bé gái 5 tuổi bị mắc kẹt vào ống nước tại bể bơi tòa nhà L4 khu đô thị Ciputra (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm). 

Cách nào để trẻ con không trở thành nạn nhân và nếu không may gặp trường hợp tương tự, cha mẹ nên xử lý sao để cứu con mình?

Gần 1 tiếng khẩn trương cứu nạn

Bé gái bị hút tay vào đường ống hút cặn của bể bơi tại khu đô thị Ciputra. Ảnh: CTV.

Nhớ  lại câu chuyện, nhiều người chứng kiến không khỏi rùng mình. 

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), nhớ lại: “Bé gái bị hút tay vào đường ống hút cặn của bể bơi không rút tay ra được và bé có biểu hiện đã đuối sức do thời gian ở dưới bể nước khá lâu. Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) công an quận Tây Hồ được điều đến trước. Đội Cảnh sát PCCC và CNCH công an quận Bắc Từ Liêm đến sau phối hợp đục thành bể bơi dẫn đến thành đường ống hút, rút tay cháu bé ra và đưa đi viện. Lúc đó, đường ống hút vẫn kẹt trên tay bé, phải đưa vào viện để cắt”.

Theo đó, khoảng cách từ mặt bể bơi xuống ống hút cặn khoảng 30cm. Thời điểm lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tới nơi, mọi người khá hoảng loạn, cháu bé đang được mọi người giữ, người dân không biết phải xử lý sao, bởi nếu kéo mạnh có thể gây bị thương thậm chí là hỏng tay bé.  

Cảnh sát đã mất khoảng thời gian gần 1 tiếng để cứu hộ cứu nạn thành công. Theo đánh giá nếu không được giải cứu kịp thời, nhẹ thì bé gái bị cảm, bị ốm do mất nhiệt quá lâu không hoạt động; nặng hơn bé gái trên có thể bị hỏng cả cánh tay do lực hút.

Đưa trẻ đi bơi, phải nhớ kĩ điều này

Theo nguồn tin PLO, hiện tại cháu bé đang được điều trị tại bệnh viện Việt Pháp. Tới đêm hôm 2-7, bé được gây mê và tháo được ống, nhưng ngón tay của bé chưa cử động được.

Vụ tai nạn như lời cảnh báo với các bậc phụ huynh về những nguy hiểm rình rập quanh các bể bơi, nhất là khi nắng nóng kéo dài. Trước đây, nhiều người vẫn nghĩ chỉ có đi bơi ở sông, ao hồ… mới gặp nguy hiểm, đuối nước, nhưng thực tế đã chứng minh, tai nạn có thể xảy ra ở bất kì đâu.

Thậm chí quan niệm “mực nước bể chỉ đến đầu gối trẻ em thì làm sao đuối nước được” là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Bởi trong khi tắm, rất nhiều rủi ro rình rập trẻ: bé nghịch, bị té ngã chưa kịp đứng dậy, bị đám đông hỗn loạn dẫm đạp có thể gây ngạt nước thậm chí dẫn tới tử vong.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến cảnh báo rằng để tránh những sự cố tương tự, nên có quy định cho các chủ bể bên bịt lưới, có cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực này. Về phía phụ huynh, khi đưa bé đi bơi, bố mẹ phải liên tục để mắt và nhắc nhở bé không nghịch, tránh xa khu vực đó. Ống hút thường đặt ở giữa mặt bể và đáy, rất dễ phát hiện vì nó phun nước ra bể hoặc hút vào. Các phụ huynh đừng ngồi trên bờ mải mê "lướt" điện thoại, rồi có chuyện mới hối hận.

Còn nếu không may rơi vào tai nạn như vậy, phải tùy tình huống mà xử lý nhưng điều quan trọng trước nhất hãy cố gắng giữ bình tĩnh, gọi ngay 114, trấn an nạn nhân trong khi đợi lực lượng cứu hộ tới. Bên cạnh đó cần khẩn cấp ngắt máy bơm để đảm bảo an toàn.

“Việc quan trọng nhất là trang bị kiến thức kỹ năng chống đuối nước cho trẻ, và phải luôn để mắt khi cho con xuống nước. Các bể bơi phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và thường kiểm tra, nhằm phát hiện các dị vật hoặc nguy cơ gây nguy hiểm cho trẻ, có biện pháp khắc phục”, Thượng tá Quyến nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm