Bếp cơm nghĩa tình: Nấu cơm giúp người nghèo vượt qua đại dịch

Hơn 10 năm nay, trụ sở khu phố 5, phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức ở địa chỉ 88/13 đường Bình Trưng chắc hẳn không còn xa lạ đối với những người dân tại khu phố và người dân trong khu vực. Tại đây hàng tuần có hàng trăm suất cơm miễn phí được phát cho những hộ nghèo, hộ cận nghèo, người bán vé số, những người lao động tự do khác...

Đây cũng chính là nơi hoạt động của chương trình mang tên “Bếp cơm nghĩa tình” do Hội Liên hiệp phụ nữ phường Bình Trưng Đông đứng ra tổ chức hơn 10 năm nay.

Hơn 10 năm nay các thành viên trong "Bếp cơm nghĩa tình" vẫn miệt mài hàng ngày nấu cơm phát miễn phí cho nhiều người khó khăn. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Điều đáng nói của “Bếp cơm nghĩa tình” là không chỉ nấu cơm phát miễn phí phát cho những người dân gặp khó khăn trong thời gian diễn ra dịch COVID-19 tại TP.HCM. Hơn 10 năm nay, vào mỗi thứ ba, thứ năm, thứ bảy hàng tuần mỗi ngày, bếp vẫn có hàng trăm suất cơm tới tay người dân.

Trao đổi với PLO, cô Phạm Thị Hường, một thành viên trong “Bếp cơm nghĩa tình” cho biết bếp cơm này được chia làm ba tổ với khoảng 25 thành viên chia đều ra để luân phiên nấu cơm vào mỗi thứ ba, năm, bảy hàng tuần. Trước đây trung bình một ngày nấu khoảng 300 suất cơm, hiện nay thì một ngày khoảng 200 suất.

“Có nhiều người có hoàn cảnh khó khăn lắm, họ đến nhận cơm rồi hỏi hôm sau có cơm nữa không. Nghe câu đó, mọi người trong nhóm lại có thêm động lực để tiếp tục cho những bữa cơm sau. Đối tượng nhận cơm miễn phí là những hộ nghèo, cận nghèo, neo đơn, bán vé số, hoàn cảnh khó khăn đang cư trú trên địa bàn phường.

Các khu phố sẽ rà soát tại khu phố mình có những người cần hỗ trợ, nào từ đó lập dánh sách số lượng người và cấp phiếu cho người ta để sử dụng cho mỗi lần tới nhận cơm”- cô Hường nói.

Hôm nay, một người dân trong khu phố tới nhận cơm và còn được nhận thêm gạo và rau củ từ Công ty Long Minh Hân hỗ trợ. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Ông Diệp Trung Hải, một người dân tới nhận cơm cho biết đang làm nghề xe ôm truyền thống nhưng dịch bệnh nên không chạy được và đang ở nhà chăm mẹ già đang nằm liệt giường. Mỗi tuần ba ngày ông qua điểm phát cơm này nhận về, nhờ bếp cơm mà mấy mẹ con cũng sống ổn trong mùa dịch.

Một trường hợp khác là bà Trần Thị Diệp (67 tuổi) không có nghề nghiệp. Nguồn thu nhập chính hằng ngày là bán nước ngoài đường với thu nhập khoảng 30-50 ngàn đồng và đi nhặt ve chai, nhưng nay dịch bệnh COVID-19 diễn ra nên cuộc sống đang rơi vào bế tắc.

Bà Trần Thị Diệp mặc dù đang sống đơn thân một mình nhưng được ưu tiên phát hai suất cơm trong một ngày. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Đáng chú ý, bà Diệp có hoàn cảnh hết sức khó khăn khi đang phải sống độc thân trong một túp lều dựng tạm, lối duy nhất để vào túp lều là đi qua miệng cống thoát nước ngập ngập sình.

Cư trú tại phường Bình Trưng Đông được 11 năm nhưng bà vẫn chưa đăng ký tạm trú tại đây. Nhặt ve chai chỉ đủ sống qua ngày chứ không có tích lũy. Dịch bệnh ập đến và kéo dài, hàng ngày bà phải dựa vào những suất ăn miễn phí từ “Bếp cơm nghĩa tình”.

Khi được hỏi tại sao bà được phát hai suất cơm trong khi chỉ có một mình. Bà nói các thành viên bếp cơm biết hoàn cảnh của bà ngặt nghèo quá nên ưu tiên phát cho hai suất để cho bữa trưa và bữa tối.

Ghi nhận của PV tại “Bếp cơm nghĩa tình” trong sáng 8-7, những người dân tới đây ngoài được phát suất cơm miễn phí như thường ngày, nay còn nhận được thêm một phần gạo và một phần rau, củ, quả đem về.

Được biết, những phần gạo, rau mà người dân được nhận thêm trong đợt này là sự đóng góp của Công ty Long Minh Hân vận chuyển từ Đồng Nai lên TP.HCM để hỗ trợ cho người dân vượt qua đại dịch.

Công ty Long Minh Hân đã hỗ trợ tại điểm Bếp cơm nghĩa tình 50 phần rau củ, 30 phần gạo, 50 phần trứng với hy vọng giúp người dân vượt qua khó khăn. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Không chỉ hỗ trợ tại điểm ở phường Bình Trưng Đông (TP Thủ Đức) mà Công ty này còn hỗ trợ nhiều điểm khác tại các khu phong toả, khu vực có nhiều người có hoàn cảnh khó khăn sinh sống như tại quận 8, quận 4, quận Bình Tân, quận Tân Phú.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm