Bị cướp giật, có nên đuổi theo?

Gần đây, trên báo chí có thông tin một số vụ việc người dân truy đuổi theo cướp giật và bị tai nạn. Việc người dân hay người bị hại nên hay không nên đuổi theo cướp được chuyên gia cho lời khuyên. 

Suýt bị đâm chết vì đuổi theo cướp

Đó là câu chuyện của anh T. (TP.HCM). Chuyện xảy ra cách đây không lâu nhưng mỗi lần nhắc lại anh vẫn không khỏi rùng mình. Vào thời điểm đó, anh T. và bạn gái hẹn nhau ra công viên nói chuyện, khi vừa tới công viên có hai người đàn ông chạy cùng trên xe máy trờ tới, người ngồi sau thò tay giật phăng chiếc điện thoại trên tay anh T.

Hung khí tên cướp sử dụng khi bị anh T. truy đuổi vào hẻm cụt. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.

“Đang bực mình cãi nhau với bạn gái, lại bị giựt điện thoại, sẵn xe còn chưa tắt máy lại có máu liều nên tôi đuổi theo tụi cướp. Tôi hô cướp, cướp, mong có người hỗ trợ thì có mấy người xuất hiện thiệt, truy đuổi cùng”, anh T. kể chuyện.

Đuổi theo hai đối tượng cướp giật vào hẻm cụt, anh bảo chúng chỉ cần trả lại điện thoại cho anh là được, muốn đi đâu thì đi. Ai dè, một tên ném mạnh điện thoại về phía anh, khiến điện thoại bể tanh bành.

“Tên cầm lái rút cây gậy dài có đầu nhọn hoắt, nhìn cũng ớn thiệt nhưng đang say máu rồi, tui quyết xông vào ăn thua đủ thì nghe có tiếng quát: “Tránh ra”!. Hai người đàn ông chạy tới, một người rút ngay cây ba trắc phóng như bay tới đánh rớt hung khí trên tay thằng cướp. Rồi mấy người nữa tới, tóm được hai tên cướp giật. Nghĩ lại sợ thiệt, mình tôi bắt một đứa thì được chứ hai khó chọi một, nếu họ không tới kịp, chắc tui bị cướp đâm rồi. Về đến trụ sở công an phường, mới biết các anh là trinh sát đặc nhiệm”, anh T. nhớ lại.

Không may mắn như anh T, rất nhiều người đã thiệt mạng khi truy đuổi bắt cướp giật. Trước đó, tại Đồng Nai xảy ra một vụ tai nạn thương tâm, nạn nhân là một trẻ em. Cụ thể, đang chở cậu con trai 8 tuổi đi chơi thì hai mẹ con bị một người đi xe máy ép sát giật lấy túi đồ bên trong có đựng máy tính bảng hiệu mà cháu bé đang ôm ở trước bụng. Người mẹ quyết tâm đuổi theo nhưng tới đoạn đường xấu thì bị té xe, cháu bé bị thương nặng, dù được đưa vào cấp cứu nhưng đã tử vong ngày hôm sau.

Trao đổi cùng PLO, một trinh sát đặc nhiệm (Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM) cho biết việc người dân truy đuổi theo cướp giật không chỉ nguy hiểm cho mình mà còn cả những người đi đường. Nhẹ là trầy xước chân tay, nặng hơn là tử vong với các nguyên nhân như đâm trúng giải phân cách, đụng người đi đường, chạy nhanh không làm chủ tay lái, té ngã…

Tri hô và nhớ nhân dạng

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một lãnh đạo công an quận 3 cho biết xác suất đuổi theo lấy lại được tài sản là có nhưng rất ít, mà nguy hiểm thì luôn thường trực. Đuổi cướp giật rồi bị tai nạn, thương vong mà báo chí đăng tải chính là minh chứng.

“Của đau con xót”, người bị cướp giật đuổi theo mong lấy lại tài sản là điều dễ hiểu; nhưng đuổi theo là đánh cược mạng sống của mình. Báo chí cũng đã từng đưa rất nhiều thông tin về những vụ việc đau lòng tương tự. Mà câu chuyện người thanh niên trẻ đuổi theo cướp giật bị đâm chính là ví dụ gần nhất”, vị này chia sẻ.

Tại quận 3, đã từng có trường hợp vì truy đuổi theo tên cướp giật đồ của mình, một cô gái không làm chủ được tốc độ nên đâm vào thành cầu, tử vong.

Hiện trường vụ cướp đâm người truy đuổi tại Tân Bình. Ảnh: MXH.

“Bởi vậy việc đầu tiên cần làm khi bị cướp giật là phải la to lên để được những người xung quanh hỗ trợ, giúp đỡ. Đa phần khi bị cướp giật, người dân sẽ có tâm lý hoảng loạn, nhiều người chỉ biết kêu “Ơ, ơ… cứu cứu”. Kêu cứu vậy sao người đi đường hiểu được! Phải ngắn gọn thôi, chỉ tay về phía tên cướp, la lên “Cướp, cướp! Áo vàng, đi xe SH, bắt lấy nó”, một lãnh đạo công an quận 3 cho biết.

Thứ hai, thay vì đuổi theo, hãy nhanh chóng nhớ kỹ biển số xe, nhân dạng của kẻ cướp, ngay lập tức đến cơ quan công an gần nhất trình báo. Các thông tin cần nhớ như tên cướp đi xe gì, màu xe, nhân dạng mập hay ốm, tóc tai, cách ăn mặc; trên cơ thể có điểm gì nổi bật nhất (nốt ruồi to ở miệng, vết xăm hình rồng ở tay phải…. Có nhiều đối tượng đã có tiền án, tiền sự lưu trong hồ sơ lưu trữ của công an nên những chi tiết đắt giá ấy có thể giúp cơ quan công an sớm tìm ra kẻ gây án, hoàn trả tài sản cho người dân trước khi bị tẩu tán”.

Điều vị lãnh đạo này muốn nhấn mạnh là hãy cố gắng đừng để mình trở thành nạn nhân của tội phạm trộm cắp, cướp giật. Rất nhiều thói quen nhỏ nhưng có thể giảm thiểu tình trạng này mà người dân cần nhớ: không nên vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại, không nên đeo nhiều trang sức khi ra đường... Khi xác định có đủ kỹ năng đuổi theo tên cướp, thì đồng thời phải hô to lên để được những người dân xung quanh hỗ trợ.

“Hãy luôn nhớ tính mạng là quan trọng nhất. Tiền, điện thoại,… mất có thể kiếm lại nhưng bao nhiêu tiền cũng không đổi lại được tính mạng của một con người’, ông nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm