Bi kịch của người chuyển giới - Bài 3: Luật có nên xem xét?

Có nên xem xét điều kiện đặc thù của đối tượng này?

Trong hai số báo trước, Pháp Luật TP.HCMđã thông tin về thực trạng người chuyển giới. Theo các chuyên gia và tự bạch của bản thân người chuyển giới, đa số họ không phải là người đồng tính, cũng không phải là người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính mà do có nhu cầu tự thân muốn sống trong giới tính khác và họ đã bằng mọi cách tự chuyển giới. Pháp luật về hộ tịch chưa xem xét cho điều chỉnh hộ tịch những trường hợp này. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến các chuyên gia và những người liên quan đề xuất các cơ quan pháp luật lưu ý thực trạng này.

Ông Lê Quang Bình,Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường:

Nên nới rộng đối tượng để giảm bớt rủi ro

Những người chuyển giới có nhu cầu được sống với chính con người mình. Từ khát khao mãnh liệt đó, người chuyển giới từ nam sang nữ thì sẵn sàng bơm silicone làm ngực, cắt bỏ bộ phận sinh dục, tiêm hormone… rất nguy hiểm nhưng họ sẵn sàng đánh đổi.

Người có bất thường về bộ phận sinh dục không rõ ràng, chưa hoàn chỉnh mà luật cho phép chuyển giới hiện nay là người liên giới tính. Trong khi đó, người chuyển giới thực tế thì không nằm trong trường hợp này. Tỉ lệ người có mong muốn chuyển đổi giới tính ở Việt Nam và trên thế giới trung bình khoảng 0,3%, nếu nhân lên theo tỉ lệ dân số thì có khoảng 100.000 người, một con số không nhỏ.

Bi kịch của người chuyển giới - Bài 3: Luật có nên xem xét? ảnh 1

Phạm Văn Hiệp đã chuyển đổi giới tính thành Phạm Lê Quỳnh Trâm. Ảnh: TƯ LIỆU + T.MẬN

Pháp luật cấm chuyển giới với những người có nhu cầu như đã nói ở trên nhưng thực tế nó vẫn diễn ra. Vì cấm nên người chuyển giới tự tìm đường đi phẫu thuật, tự tìm nguồn silicone, hormone… dễ xảy ra rủi ro về sức khỏe, sốc về tinh thần. Mặt khác, khi họ đi Thái Lan, Hàn Quốc làm phẫu thuật thì một lượng ngoại tệ lớn sẽ bị chảy máu. Khi pháp luật điều chỉnh rộng cửa hơn cho người chuyển giới thì cái nhìn kỳ thị của xã hội sẽ bớt đi, người chuyển giới cũng dễ tìm việc làm hơn.

Luật sưNguyễn Minh Luận,Đoàn Luật sư TP.HCM:

Cần nghiên cứu kỹ về y học

Giới tính trên giấy tờ và giới tính thể hiện ra thực tế khác nhau thì rất khó trong các giao dịch hằng ngày. Cô nhân viên cũ của tôi cũng là người chuyển giới (nữ thành nam), cô ấy thích người khác gọi bằng tên và nói rằng bắt em làm trâu ngựa gì cũng được, đừng gọi em bằng chị. Tôi nghĩ nhà làm luật cần quan sát cuộc sống để điều chỉnh cho luật sát với thực tế. Muốn vậy thì phải có nghiên cứu kỹ về y học. Người ta không bất thường về bộ phận sinh dục nhưng vẫn khát khao chuyển giới thì vì nguyên nhân gì? Có thể do cơ thể có bất thường gì đó về nội tiết tố bên trong. Nếu thấy cần thiết phải cho những người này chuyển giới thì cần điều chỉnh luật, lập một hội đồng thẩm định gồm có các chuyên gia trong ngành y và tâm lý.

Luật sưTrịnh Đức Duy,Đoàn Luật sư TP.HCM:

Cần xem xét lại các quy định liên quan

Theo quy định hiện hành, Nhà nước khó quản lý việc chuyển đổi giới tính và dẫn đến nhiều hệ quả xấu, cả về pháp luật lẫn cuộc sống.

Có lẽ các nhà làm luật nên xem xét lại các quy định liên quan. Các cơ quan nhà nước có thể đặt ra những quy định kiểm tra khắt khe, những đợt kiểm tra tâm lý của bác sĩ chuyên môn… Từ đó, giúp người muốn chuyển giới xác định lại bản thân trước khi quyết định.

Các nước quy định về chuyển giới ra sao?

Chuyển giới không phải chuyện lạ với nhiều nước trên thế giới, từ Mỹ, Canada, Serbia… ở phương Tây cho đến Thái Lan, Singapore, Philippines, Ấn Độ… ở phương Đông. Argentina vừa cho phép chuyển giới và thay đổi giới tính trên các giấy tờ liên quan vào ngày 3-10-2012. Hầu hết các nước cho phép chuyển giới không giới hạn cá nhân muốn chuyển giới bắt buộc phải có bộ phận sinh dục của giới tính mình không mong muốn.

Ngoài Thái Lan là trung tâm chuyển giới số một thế giới, bất ngờ là vị trí số hai thuộc về đất nước Hồi giáo Iran. 25 năm về trước, lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khomeini đã ban hành luật cho chuyển giới và thay đổi giới tính trên giấy tờ liên quan, hiện tại chính phủ Iran chi trả 50% chi phí chuyển giới.

Tháng 6-2012, chính quyền tỉnh Alberta (Canada) đã khôi phục chi trả bảo hiểm y tế cho phẫu thuật chuyển giới đã bị ngưng ba năm trước. Tháng 9 vừa qua, một thẩm phán bang Massachusetts (Mỹ) đã phán quyết cho một phạm nhân 63 tuổi phạm tội giết vợ được chuyển giới bằng tiền của chính phủ. Chính quyền bang kháng cáo nhưng chưa có kết quả.

Trang web Cơ quan An ninh xã hội của Mỹ đưa cụ thể thủ tục để người đã chuyển giới xin thay đổi giới tính trên hồ sơ an ninh xã hội: Ngoài các giấy tờ khai báo nhân thân phải có thư của bác sĩ xác nhận đã thực hiện phẫu thuật chuyển giới cho người này. Trang web Sở Giao thông tỉnh Ontario (Canada) đăng cụ thể thủ tục để người chuyển giới xin thay đổi giới tính trong giấy phép lái xe, cũng yêu cầu có thư của bác sĩ xác nhận đã phẫu thuật chuyển giới.

ĐĂNG KHOA

Không lo chuyện chuyển giới ồ ạt

Những người đồng tính nam có hai dạng là “top” và “bot”. Trong quan hệ tình cảm, top giữ vai chồng còn bot giữ vai vợ, họ đều là bóng kín (không muốn chuyển giới). Top và bot có tình cảm với nhau chứ không có tình cảm với người chuyển giới. Trong khi đó, người nam chuyển giới (bóng lộ) thường có tình cảm với trai thẳng (tức người dị tính, không thuộc thế giới thứ ba). Nhưng trai thẳng thì thường ít yêu người chuyển giới, họ chỉ quan hệ vì tò mò. Do vậy, bóng lộ là dạng khó tìm người yêu nhất, chẳng ai muốn nếu không có nhu cầu mãnh liệt phải chuyển giới.

Nói vậy để thấy không phải ai trong thế giới thứ ba cũng thích chuyển giới, không lo chuyện người ta sẽ chuyển giới ồ ạt nếu luật cho phép.

NTĐ,người đồng tính (670/87/22 Đoàn Văn Bơ, quận 4, TP.HCM)

Tội phạm không thể lợi dụng

Có ý kiến nói rằng không cho chuyển giới rộng rãi vì sợ bọn tội phạm lợi dụng chuyện chuyển giới để lẩn tránh. Không thể có chuyện như vậy. Việc phẫu thuật, tiêm hormone chỉ làm thay đổi cơ thể, còn khuôn mặt vẫn như vậy. Quan trọng nhất là dấu vân tay thì trước hay sau chuyển giới vẫn không thể thay đổi.

Nguyễn Đức Hiếu,đã chuyển giới với tên là Bảo Hân (262/7 Lê Văn Sỹ, phường 14, quận 3, TP.HCM)

THANH MẬN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm