Bị phạt đến 250 triệu nếu xả chất thải không đúng

Việc xả bùn thải trái phép trực tiếp ra môi trường, từ bùn thải thông thường như phân hầm cầu, bùn cống… cho tới chất thải nguy hại như dầu nhớt vẫn thường xuyên diễn ra. Người xả thải trái phép bị xử phạt là chắc chắn, song một số bạn đọc đặt câu hỏi liệu bên thuê dịch vụ có bị liên đới trách nhiệm không?

Bên thuê dịch vụ có liên đới

Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Đà Nẵng bắt quả tang tài xế Quách Văn Sáng dùng xe hút hầm cầu hút nhớt thải của Công ty TNHH Giấy Vĩnh Nghiệp (trụ sở chính tại Khu công nghiệp Hòa Khánh) đổ xuống cống thoát nước đô thị ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu.

Tài xế Sang đã bị phạt gần 127 triệu đồng, còn Công ty Vĩnh Nghiệp cũng phải chịu phạt 260 triệu đồng vì đã chuyển giao chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép xử lý.

Lý giải cách xử phạt trên, luật sư Kiều Anh Vũ-Đoàn Luật sư TP.HCM cho hay các Nghị định 80/2014 và 38/2015 đều có quy định cụ thể về quản lý bùn thải.

Xe hút hầm cầu 43C-116.03 bị bắt quả tang đang xả nước thải xuống cống. Ảnh: HH

Theo đó, chủ nguồn thải phải có trách nhiệm phân loại, phân định, lưu giữ chất thải; việc thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại chỉ được phép thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân có giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Nếu chủ nguồn thải không đủ điều kiện xử lý chất thải thì phải thuê, sử dụng dịch vụ của các cơ sở xử lý được phép.

“Do đó, việc phân loại, xử lý chất thải là “trách nhiệm kép” của cả chủ nguồn thải và đơn vị xử lý chất thải. Nếu các chủ thể này vi phạm nghĩa vụ của mình thì phải chịu trách nhiệm tương ứng”, luật sư Vũ khẳng định.

Ông ví dụ, đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ bùn thải là chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định thì chủ nguồn thải có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20 đến 25 triệu đồng theo khoản 5 Điều 20 Nghị định 155/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Báo Pháp Luật TP.HCMtừng có tuyến bài phản ánh về tình trạng các xe hút hầm cầu không xử lý chất thải đúng quy trình. Ảnh: Hoài Nam

Về phía đơn vị xử lý, khi xử lý bùn thải không phải là chất thải nguy hại nếu vi phạm về hệ thống, thiết bị xử lý không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; vận hành không đúng quy trình sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đến 50 triệu đồng…

Các mức phạt này đều tăng lên khá cao trong trường hợp bùn thải là chất thải nguy hại. Đối với chủ nguồn thải tiền phạt có thể lên đến 250 triệu đồng.

Người dân cần thận trọng khi thuê dịch vụ xả thải

Với nhiều người dân, khi thuê các dịch vụ xử lý chất thải thông thường như hút hầm cầu, nhớt thải… đều ít khi biết được đơn vị cho thuê có được cấp phép không, chất thải sau đó sẽ được thải đi đâu để không gây ô nhiễm môi trường.

Anh Hải Tuấn ngụ quận 3 chia sẻ anh không biết được bên hút hầm cầu có giấy phép hay không và họ sẽ xả thải ở đâu. “Tôi thường gọi dịch vụ theo số điện thoại trên các tờ quảng cáo dán ngoài đường. Làm cách nào để biết họ có giấy phép hoạt động hay không?”

Xe bồn 57K-6440 sau khi hút hầm cầu thì về nhà 549/57/13 Lê Văn Thọ, khu phố 1, quận Gò Vấp mà không hề đi xử lý. Ảnh: Hoài Nam

Luật sư Nguyễn Quốc Phong - Đoàn Luật sư TP.HCM khuyến cáo người dân nên thận trọng với những bảng quảng cáo dịch vụ dán trên tường nhà, cột đèn… bởi thông thường các công ty hoặc tổ chức có chức năng về xử lý bùn thải hoặc chất thải nguy hại sẽ không lựa chọn cách quảng bá như thế. "Thường đây là những cá nhân môi giới, hoặc cò dịch vụ cho đơn vị thu gom và xử lý chui, không giấy phép”, luật sư Phong nhận định.

Để biết rõ công ty xử lý có được cấp phép hay không thì người thuê nên yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ cung cấp các giấy tờ liên quan về môi trường theo quy định trong đó có giấy phép về xả thải (đối với nhà máy xử lý chất thải).

Đại diện Sở TN&MT TP.HCM cho biết hiện nay đối với dịch vụ xử lý bùn thải (bùn hầm cầu, bùn nạo vét cống rãnh…) TP đã quy hoạch khu xử lý bùn thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước, huyện Bình Chánh.

Hai đơn vị xử lý bùn thải hiện nay Công ty Dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình – xử lý bùn hầm cầu và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh – xử lý bùn thải các loại.

Đối với bùn hầm cầu, hiện nay danh sách các xe vận chuyển hút bùn đã được đăng tải trên trang web của Sở TN&MT. Dữ liệu này Sở tổng hợp từ các quận, huyện cung cấp, người thuê cũng có thể liên hệ trực tiếp Phòng TN&MT quận, huyện để biết cụ thể.

Đối với chất thải nguy hại, danh sách các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này được đăng tải trên website của Bộ TN&MT. Trên địa bàn thành phố hiện có 10 đơn vị xử lý được Bộ cấp phép hoạt động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm