Buộc kiểm tra nhà hàng xóm trước khi xây dựng liệu có khả thi?

Gần đây, Thông tư 39 ngày 9-12-2009 về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ đã được Bộ Xây dựng ban hành (có hiệu lực từ ngày 1-2-2010) nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho các công trình lân cận và hạn chế phát sinh các mâu thuẫn trong thi công. Theo tôi, đây chỉ là biện pháp giải quyết những mâu thuẫn trước mắt.

Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực xây dựng, tôi nhận thấy mâu thuẫn thường hay phát sinh khi thi công các công trình nhà riêng lẻ liền kề trong các khu dân cư cũ. Việc nhà hàng xóm bị nứt tường hay bị nghiêng... gần như là chuyện thường ngày ở huyện.

Sau khi có rắc rối xảy ra, cách giải quyết lâu nay là chủ đầu tư phải tìm mọi cách thương lượng với các chủ nhà bên cạnh. Kết quả thường thấy là người muốn xây nhà phải bỏ tiền ra bồi thường cho xong chuyện. Từ đó dẫn đến hiềm khích nhau, chủ nhà từng làm khó người khác sẽ bị làm khó lại khi có nhu cầu xây dựng.

Buộc kiểm tra nhà hàng xóm trước khi xây dựng liệu có khả thi? ảnh 1

Sự cố ít phát sinh khi thi công công trình tại các khu dân cư mới. Ảnh: THÁI HIẾU

Đôi khi những nhà nằm cách đó hai, ba căn cũng có thể gây khó khăn cho chủ đầu tư. Đã từng có trường hợp ba nhà tiếp giáp với nhà đang xây bị ảnh hưởng, người chủ xây nhà thương lượng được với hai nhà, riêng nhà thứ ba vẫn tiếp tục đòi bồi thường một cách vô lý. Vì quá cần nhà ở nên người chủ xây nhà phải bấm bụng bồi thường.

Theo khoản 1, 2 Điều 8 Thông tư 39, khi phá dỡ công trình cũ hoặc trước khi thi công xây dựng nhà ở, chủ nhà cần phối hợp với các chủ công trình liền kề kiểm tra hiện trạng các công trình liền kề. Chủ nhà có thể tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực phù hợp thực hiện việc này.

Có ý kiến lo ngại chủ nhà sẽ gặp khó khăn nếu không được hàng xóm hợp tác. Nhưng e cũng không ổn nếu người dân nhờ cán bộ phường kiểm tra vì cán bộ phường không đủ năng lực chuyên môn để kiểm tra mà chỉ có thể chứng kiến việc kiểm tra. Bởi với việc chụp ảnh, quay phim, người ta chỉ có thể ghi nhận lại hiện trạng chứ không thể nắm bắt được sự cố đang diễn ra dưới nền móng. Trường hợp chủ đầu tư nhờ đến cơ quan chuyên môn thì kết quả thẩm định cũng không thể có ngay nếu chưa có đầy đủ hồ sơ như bản vẽ thiết kế, phương pháp thi công, hồ sơ hoàn công... của các công trình lân cận.

Trên thế giới không có nước nào giải quyết các mâu thuẫn của người dân bằng cách để họ tự thỏa thuận. Thay vào đó, tất cả đều phải được xử lý theo pháp luật. Vậy nên tuy đưa ra rất nhiều đòi hỏi nhưng Thông tư 39 vẫn chưa thể giải quyết hết các vướng mắc phát sinh.

Thôi thì trong thời gian chờ có luật quản lý đô thị, người dân cứ tạm thực hiện theo thông tư này để phòng ngừa và có phương án giải quyết thích hợp các mâu thuẫn trong xây dựng. Trường hợp không tìm được tiếng nói chung, các bên có thể khởi kiện ra tòa để nhờ xét xử vậy.

KTS NGUYỄN TRƯỜNG LƯU (Hội Kiến trúc sư TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm