Buộc Quế Ngọc Hải bồi thường có đúng luật?

LTS: Sự kiện cầu thủ Quế Ngọc Hải bị Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) kỷ luật và buộc thanh toán chi phí chữa trị chấn thương cho cầu thủ Trần Anh Khoa cho thấy có sự xung đột giữa quy định của VFF với quy định chung của pháp luật. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết dưới đây của luật sư Nguyễn Đức Chánh, người có thời gian theo dõi sâu về luật lệ bóng đá Việt Nam.

Chiều 18-9, Ban Kỷ luật VFF đã ra quyết định phạt cầu thủ Quế Ngọc Hải (SLNA) 15 triệu đồng, đình chỉ thi đấu sáu tháng tại các giải thuộc hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và buộc Quế Ngọc Hải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương cho cầu thủ Trần Anh Khoa của CLB SHB Đà Nẵng do hành vi vi phạm gây ra.

Bất hợp lý và sai luật

Chế tài phạt của VFF nhận được nhiều sự đồng tình của dư luận. Nhưng việc buộc Ngọc Hải thanh toán chi phí chữa trị cho Anh Khoa thì lại tạo ra nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều người cho rằng “bản án” này là bất hợp lý, vì hiện nay không có giải đấu nào trên thế giới có quy định một cầu thủ gây ra chấn thương cho cầu thủ khác phải chịu toàn bộ chi phí chữa trị như ở V-League. Và quyết định này có vẻ nó hướng vấn đề sang chuyện dân sự hơn là theo tiêu chí của thể thao. Ngọc Hải được xem  như là người gây ra tai nạn và phải bồi thường cho nạn nhân, khác chăng là việc bồi thường này không phải từ phán quyết của tòa án mà là từ án phạt của VFF.

Dưới góc độ pháp lý, tôi cho rằng quy định tại khoản 3 Điều 39 Quy định về kỷ luật của VFF (ban hành kèm theo Quyết định 551 ngày 29-12-2014) của VFF là bất hợp lý, không phù hợp quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ thể thao quốc tế.

Quế Ngọc Hải (áo vàng, ngồi) đạp bóng vào chân Anh Khoa (áo trắng, giữa) gây chấn thương. Chưa biết chi phí chữa trị cho vết thương của Anh Khoa lên đến bao nhiêu (ảnh nhỏ). Ảnh: CTV

Trước mắt, pháp nhân phải bồi thường

Quế Ngọc Hải là cầu thủ bóng đá thuộc CLB bóng đá SLNA, là người lao động của Công ty Cổ phần Bóng đá SLNA theo hợp đồng lao động do hai bên đã ký kết. Thời điểm Ngọc Hải gây ra chấn thương cho Anh Khoa (CLB bóng đá SHB Đà Nẵng) thì Ngọc Hải đang thực hiện công việc theo hợp đồng lao động cho Công ty Cổ phần Bóng đá SLNA.

Theo quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do người của pháp nhân gây ra tại Điều 618 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì trường hợp người của pháp nhân gây thiệt hại trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao thì pháp nhân phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả cho mình một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Như vậy, nếu áp dụng luật dân sự thì Công ty Cổ phần Bóng đá SLNA mới là chủ thể có trách nhiệm bồi thường. Còn việc Công ty Cổ phần Bóng đá SLNA có yêu cầu Quế Ngọc Hải hoàn trả số tiền mình đã bỏ ra để bồi thường thiệt hại hay không là việc “nội bộ” của họ.

Từ các điều nói trên, tôi thấy hợp lý nhất là CLB bóng đá SHB Đà Nẵng tạm ứng chi phí chữa trị cho Anh Khoa, trên cơ sở đó VFF buộc CLB bóng đá SLNA bồi thường thiệt hại cho CLB bóng đá SHB Đà Nẵng. Còn việc trách nhiệm hoàn trả giữa Quế Ngọc Hải với CLB bóng đá SLNA là việc của hai bên.

Cái gì không phù hợp thì phải sửa

Trở lại quy định bất hợp lý của VFF (tại khoản 3 Điều 39 Quy định về kỷ luật của VFF), tôi nghĩ VFF nên sớm sửa đổi cho phù hợp với Bộ luật Dân sự. Không thể lấy lý do quy định này đã được ban hành nhiều năm và đã được các CLB bóng đá thành viên thừa nhận mà không nhận ra nó bất hợp lý, trái luật và không phù hợp với thông lệ quốc tế để tiếp tục duy trì. Suy cho cùng, VFF là tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, điều lệ VFF được Bộ Nội vụ phê chuẩn, quy chế bóng đá chuyên nghiệp cũng được Bộ VH-TT&DL phê chuẩn... Vì vậy VFF cần rà soát để sửa đổi các quy định của mình để xem nó bất hợp lý, trái luật và không phù hợp với thông lệ quốc tế như thế nào để nhanh chóng sửa đổi.

* * *

Bóng đá là một sân chơi với những luật lệ riêng, đặc thù. Nhưng đặc thù không có nghĩa là trái với quy định chung của pháp luật và khác biệt với thông lệ chung của thế giới trong cùng lĩnh vực.

Chế tài hành vi xâm phạm thân thể

1. Người nào định hoặc cố tình xâm phạm thân thể người khác nhưng chưa làm thiệt hại đến thân thể, sức khỏe của người khác thì bị cảnh cáo và có thể bị đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ ít nhất ba trận. Nếu gây thiệt hại đến sức khỏe, thân thể người khác thì bị đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ ít nhất năm trận hoặc ít nhất một tháng.

2. Trường hợp có hành vi xâm phạm thân thể nghiêm trọng có thể bị cấm tham gia hoạt động bóng đá có thời hạn hoặc vĩnh viễn;

3. Phạt tiền tối thiểu 10 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 (nếu áp dụng biện pháp kỷ luật là đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ) và khoản 2 điều này. Ngoài ra người vi phạm còn phải chịu hoàn toàn chi phí cho việc chữa trị chấn thương do hành vi vi phạm gây ra.

(Điều 39 Quy định về kỷ luật của VFF ban hành
kèm theo Quyết định số 551/QĐ-LĐBĐVN năm 2014
của Ban Chấp hành VFF)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm