Cách để trẻ nói ra sự thật có bị xâm hại

Thời gian vừa qua liên tiếp các vụ trẻ em đã bị và đang nghi bị xâm hại tình dục khiến dư luận rúng động. Làm sao để trẻ em có thể kể sự việc khó nói này một cách chính xác nhất để người lớn chúng ta nắm rõ thông tin?

Chúng tôi đã có trao đổi với ThS-BS Kiều Thanh Hà, bác sĩ tâm lý, Phòng khám Nhi đồng TP.HCM, về vấn đề này.

Bé không thể tự làm đau đến chảy máu

BS Hà cho rằng với một đứa trẻ sáu tuổi hoặc trong độ tuổi trẻ thơ từ ba đến 10 tuổi, bé sẽ không đủ khả năng ngôn ngữ để diễn đạt hay ký hiệu để diễn tả những sự việc đang xảy ra đối với mình. Do đó ở mỗi trường hợp, bé có thể nói lúc này một kiểu, lúc khác một kiểu.

Với một trường hợp nghi bị xâm hại tình dục cụ thể, việc bé chảy máu sinh dục, rách... thì không thể nào bé có thể tự chơi trò làm đau cơ thể, càng không thể tưởng tượng, bịa ra rằng có người đàn ông quan hệ tình dục với mình.

Tuy nhiên, việc bé chảy máu vùng kín cũng có thể do một tác động nào đó ảnh hưởng đến bé nhưng trong quá trình nói chuyện với con cái, phụ huynh đã vô tình hướng con theo suy nghĩ của mình dẫn đến bé nói theo cảm tính. Hoặc ở trường học, cô giáo, bạn bè hỏi theo hướng khác, không gian khác bé lại trả lời theo một ý hoàn toàn khác khi nói với cha mẹ.

Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đang tiếp nhận và tư vấn cho phụ huynh một em bé tám tuổi tố bị người hàng xóm hiếp dâm. Ảnh: HOÀNG LAN

Đừng làm trẻ sợ

Do đó khi nghi ngờ con trẻ bị xâm hại tình dục, phụ huynh, công an, bác sĩ phụ sản (không tâm lý)… không nên truy hỏi bé, nóng nảy cáu gắt, hăm phạt nếu không nói. Vì trong trường hợp này, càng làm trẻ sợ và nói đại theo trí nhớ của mình, đôi lúc nói theo sự áp đặt của phụ huynh cho xong.

Tốt nhất khi nghi ngờ con mình bị xâm hại tình dục, mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ tâm lý. Lúc này bác sĩ sẽ có cách để bé kể lại sự việc một cách khách quan, chính xác nhất. Qua đó giúp công an nhanh chóng tìm ra thủ phạm hơn.

Khi nghi ngờ con trẻ bị xâm hại tình dục, các bậc cha mẹ không nên nhìn con cái bằng ánh mắt lo lắng, thương hại. Không nên ôm con khóc lóc hoặc kể lể trước mặt con vì sẽ làm trẻ hoang mang. Cũng không nên quá bao bọc trẻ trong lòng, nhốt trẻ trong nhà, gò bó trong khoảng không gian nào đó. Cha mẹ cần cho trẻ ra ngoài, tiếp xúc với môi trường, với bạn bè để trẻ thoải mái hơn.

Việc quan trọng mà các phụ huynh nên làm là dạy cho con biết giữ khoảng cách an toàn với những người xung quanh. Khi trẻ nhận thức được một đối tượng cố gắng vượt qua khoảng cách đó thì sẽ nhận thức được nguy hiểm. Hoặc khi trẻ biết rằng có đối tượng tìm cách dụ dỗ đến những nơi lạ, hoang vắng thì phải biết cách ứng phó như thế nào cho tốt.

Sang chấn tâm lý kéo dài

Nếu trẻ bị xâm hại tình dục khi còn là học sinh tiểu học, việc ảnh hưởng đến tâm lý trẻ là điều chắc chắn. Hiện tại có thể chưa ảnh hưởng ngay mà sẽ ảnh hưởng sau vài tháng hoặc ảnh hưởng đến tuổi trưởng thành về tâm lý, tính tình cũng như cảm xúc của trẻ.

Tuy nhiên, những vết thương thể xác khi bị xâm hại lúc còn nhỏ là một trong những yếu tố khơi gợi lại tổn thương tinh thần, nhất là những khi các bé gái phát triển về tính dục, khi hormone nữ bắt đầu phát triển. Khi còn quá nhỏ, các em nghĩ đó chỉ là một sự cố. Nhưng khi phát triển, các em hồi chiếu lại sự việc và những sang chấn lại tiếp diễn. Những sang chấn này bùng phát mạnh mẽ lúc nạn nhân đứng trước quyết định kết hôn hoặc khi họ có con. Lúc đó những tổn thương trở nên mạnh mẽ vì họ cảm thấy không xứng đáng với người kia hoặc khi có con thì họ sợ hãi con của mình sẽ gánh chịu những xâm hại tình dục.

NGUYỄN BẢO THU HƯƠNG, bác sĩ tâm lý, Phòng khám Tâm Lý Trẻ Hoa Học Trò TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm