Cách thoát hiểm cho trẻ bị bỏ quên trên ô tô

Từ vụ bé trai Trường Gateway tử vong khi bị bỏ quên trên ô tô, kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch có một số lưu ý về cách trẻ thoát nạn khi vô tình bị người lớn bỏ quên trên ô tô.

Kỹ sư Lê Văn Tạch khuyến cáo: Việc gào thét, khóc lóc có thể khiến cho trẻ mệt mỏi, kiệt sức và không thể bình tĩnh để tự giải cứu mình nữa. Vì thế, điều quan trọng nhất là các bậc phụ huynh phải dạy các em khi gặp bất kỳ tình huống nào nan giải cũng phải luôn giữ bình tĩnh và áp dụng những kỹ năng cần thiết.

Có năm cách mà các em nhỏ có thể áp dụng để giải thoát khi phải một mình trên ô tô.

Phụ huynh phải dạy các em giữ bình tĩnh và áp dụng những kỹ năng cần thiết khi gặp sự cố trong khi đi ô tô. Ảnh minh họa: VĂN KHÁNH

- Bấm còi xe: Về nguyên tắc, dù xe có tắt máy, rút khóa điện thì còi xe vẫn luôn hoạt động vì ô tô sử dụng nguồn điện trực tiếp từ ắcquy. Trong tình huống này, các em di chuyển lên đầu xe, đến vô lăng và bấm còi. Làm thế nào để các em biết còi nằm ở vị trí nào trên xe thì cha mẹ hãy dành thời gian cho bé quan sát và chỉ cho các em biết, đồng thời hướng dẫn cách bấm còi.

Bấm còi để làm gì? Để tạo ra tiếng ồn gây sự chú ý với người bên ngoài và nhận được sự hỗ trợ từ người lớn.

- Bật đèn khẩn cấp (đèn hazard): Đèn này được thiết kế nguồn điện riêng để nó lúc nào cũng sẵn sàng hoạt động. Tương tự bấm còi, người lớn hãy chỉ cho các bé nút bật cái đèn có hình tam giác và rất dễ thấy trên bàn điều khiển buồng lái. Bấm nó để bật gây sự chú ý, kết hợp với bấm còi.

- Lẫy mở khóa cửa từ bên trong: Các xe hơi đều thiết kế luôn có lẫy mở khóa cửa từ bên trong tại mỗi cửa lên xuống. Người lớn có thể hướng dẫn các bé cách bật lẫy để mở cửa trong trường hợp khẩn cấp.

Ô tô khi không cắm chìa khóa và khi xe đã khóa thì vẫn có thể mở được từ bên trong tại vị trí của ghế lái. Hãy hướng dẫn con mở cửa từ vị trí này. Khi mở cửa mà không có chìa khóa, còi báo động nếu có chống trộm thì xe sẽ kêu lên. Ngoài ra, hãy dạy trẻ thử mở các cửa bởi nếu may mắn có thể một cánh cửa xe chưa được đóng kín. Từ đó trẻ cũng có thể thoát ra ngoài.

- Đứng ở phần kính trước vô lăng để vẫy người phía ngoài: Theo thiết kế thì thông thường các cửa sổ của xe có màu tối để hạn chế ánh nắng chiếu vào. Tuy nhiên, đối với kính phía trước vô lăng luôn là kính trong để tài xế quan sát đường. Do đó, trẻ có thể đứng trước kính này vẫy tay, dùng nhiều động tác báo hiệu mình đang gặp nạn để cầu cứu người lớn bên ngoài.

- Dùng búa thoát hiểm: Các ô tô chở học sinh hầu hết có búa thoát hiểm. Trường hợp bất đắc dĩ, các bé có thể dùng búa thoát hiểm. Búa thoát hiểm được thiết kế có đầu nhọn tập trung gia lực. Vì thế, đối với một lực nhỏ của trẻ em cũng có thể đập vỡ kính. Ngoài ra, kính xe luôn thiết kế là kính an toàn nên khi đập vỡ, kính sẽ vỡ vụn dạng hạt bắp, không có mảnh sắc nên không gây tổn hại đến trẻ. Nếu trên xe không có dụng cụ phá kính, hãy dạy trẻ tìm các dụng cụ, đồ vật khác để tìm cách phá kính và thoát ra.

Vì sao trẻ bị tử vong trên ô tô?

Việc để quên trẻ trên ô tô là vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ. Về cơ bản, có ba nguyên nhân chính khiến bé bị bỏ quên trên ô tô có thể tử vong.

- Việc đóng kín cửa rất dễ khiến trẻ đang ngủ trong xe bị thiếu khí ôxy dẫn đến hôn mê, thậm chí là tử vong. Bởi không gian bên trong một chiếc xe rất chật hẹp, nếu đóng kín các cửa, nó giống như một cái hộp đựng không khí với thể tích rất nhỏ. Khi trẻ ngủ trong xe, trẻ hoàn toàn có thể bị ngạt do thiếu khí thở, hay nghiêm trọng hơn là ngộ độc khí xả.

Trẻ bị sốc nhiệt dẫn tới tử vong. Dù thời tiết nắng hay trời râm thì nhiệt độ ở trong xe ô tô kín bưng cũng luôn cao hơn nhiệt độ bên ngoài rất nhiều.

Nếu nhiệt độ ngoài trời là 37 độ thì nhiệt độ ở trong xe sẽ tăng lên 42 độ sau 20 phút và tăng lên 46 độ sau 30 phút đỗ xe và đóng cửa.

Trẻ nhỏ ở trong ô tô đỗ dưới trời nắng quá lâu sẽ bị mệt mỏi, kiệt sức, say nóng và sốc nhiệt dẫn tới tử vong.

- Trẻ hoảng sợ. Nếu bị bỏ quên trên ô tô khi đang ngủ thì chỉ sau một thời gian ngắn, vì khó thở hoặc quá nóng trẻ sẽ tỉnh dậy.

Trong người vô cùng mệt mỏi lại thêm xung quanh không có ai, trong xe kín mít sẽ khiến trẻ cực kỳ sợ hãi, khóc, hét khiến sức khỏe của bé càng ngày yếu đi.

Ông LÊ VĂN TẠCH, kỹ sư ô tô 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm