Cái ghế không đẻ ra tham nhũng

Không phải cán bộ nào cũng thích vơ vét

Bài viết đưa ra nhiều lý lẽ để chứng minh việc giáo dục tính trung thực và lòng nhân ái sẽ đắt giá hơn nhiều lần việc giáo dục cách phòng, chống tham nhũng. Cũng đồng ý đó là hai đức tính cần và đủ để mọi người có thể sống tốt, làm việc tốt nhưng theo tôi, cách đặt vấn đề của tác giả có phần quy chụp.

Thứ nhất, đúng là có những thế hệ cán bộ có nhiều mất mát trong chiến tranh; được đào tạo vội vàng, được trao chức quyền rất vội vàng sau chiến tranh. Do thiếu bản lĩnh, chưa được giáo dục đầy đủ về “văn hóa quyền lực” nên đã có người tiêu cực. Song đó chỉ là một số ít trường hợp chứ không phải tất cả.

 Ở nhiều nơi trên đất nước, ở các cơ quan nơi tôi đang làm việc hoặc thường xuyên liên hệ công tác, tôi vẫn biết có rất nhiều cựu chiến binh vẫn đang sống thật giản dị, tiết kiệm và quan trọng là rất đỗi thanh liêm. Họ đã và đang lao động miệt mài để có thu nhập nuôi bản thân và các thành viên trong gia đình họ. Sâu xa hơn, họ vẫn tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho đất nước và tất nhiên, điều cần bàn ở đây là họ không tham!

Cái ghế không đẻ ra tham nhũng ảnh 1

Các quyết định về nhà đất quá rườm rà, phức tạp sẽ là mảnh đất màu mỡ để sinh tham nhũng. Ảnh minh họa: HTD

Thứ hai, đúng là có những cán bộ được đào tạo và được thăng quan tiến chức rất vội vàng khi chưa có đủ năng lực và thời gian tu dưỡng đạo đức. Những người này đã làm mất niềm tin của dân chúng đối với chính quyền khi bè phái, xu nịnh cấp trên, tận dụng mọi cơ hội để “ăn” càng nhiều càng tốt. Lòng tham của họ dường như không có điểm dừng nên khi vi phạm vỡ lở, mọi người mới giật mình sao họ giàu nhanh thế, giàu nhiều thế.

Song đó cũng không phải là tất cả. Rất nhiều người trong số này có thể chưa giỏi chuyên môn, nghiệp vụ để có thể quản lý, điều hành tốt, giúp người dân “dễ thở” hơn với cuộc sống hiện tại. Nhưng họ cũng không tham của công để có thể dùng mọi thủ đoạn kiếm thật nhiều tiền!

Đổi lại, tôi hoàn toàn đồng ý với phân tích chính cơ chế quản lý quan liêu, cồng kềnh, lãng phí, đầy hủ tục hành chính dễ sinh ra tiêu cực. Vì với môi trường không lành mạnh và dễ đút túi này, người không muốn tham cũng dễ động lòng tham. Ví dụ, khi các quy định về nhà đất quá rườm rà, phức tạp, có nhiều thứ không cần thiết và người cán bộ muốn cho qua cũng được vì không để lại hậu quả gì mà không cho qua cũng chẳng sai quy định thì đó sẽ là mảnh đất màu mỡ để một bên “chạy” cho được việc và một bên nhận cho được túi.

Chưa kể cách xử phạt theo kiểu “bằng chứng đâu” để tránh oan sai cho cán bộ, để đảm bảo nguyên tắc “xử đúng người, đúng tội” tuy đúng nguyên tắc nhưng trên thực tế lại tạo điều kiện cho tham nhũng lộng hành. Bởi một khi đã làm điều biết mười mươi là sai thì chẳng ai dại gì để lại dấu vết. Người chung chi im hơi lặng tiếng đã đành, người nhận chung chi chẳng lẽ lại “lạy ông tôi ở bụi này”.

Không ai phủ nhận chuyện bổ nhiệm cán hộ hiện nay còn nhiều bất ổn. Cách luân chuyển cán bộ theo hướng mong muốn có nhiều cán bộ đa năng, đa tài dễ tạo ra nhiều loại cán bộ thứ gì cũng rớ tới nhưng không thứ nào giỏi! Mà không giỏi thì cũng khó lòng phòng, chống tham nhũng. Nhưng quơ đũa cả nắm là không nên và rất khó lôi cuốn mọi người ủng hộ mình tham gia vào cuộc chiến đấu vốn rất gay go này.

LÊ THÚY (Đồng Nai)

Cần có những con người không biết tham nhũng

Tác giả gọi tên “văn hóa tham nhũng” là không phù hợp. Văn hóa thường gắn với những gì đẹp đẽ, đáng biểu dương và nhân rộng trong xã hội. Cũng như nhiều nước trên thế giới, nước ta coi tham nhũng là tệ nạn. Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên là minh chứng cho thái độ quyết liệt chống tham nhũng của nhà nước. Tham nhũng ở nước ta đâu được thừa nhận, cũng đâu đã phổ biến đến mức có thể hình thành nên “văn hóa tham nhũng”.

Những minh họa của tác giả về các hiện tượng tiêu cực chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ và không thể lấy nó làm đại diện cho toàn xã hội. Đành rằng có những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất. Nhưng không phải cán bộ nào cũng được trao chức, trao quyền vội vàng sau chiến tranh, rồi được dịp hưởng thụ mà có hành vi tham nhũng.

Việc sắp xếp nhân sự gồm bao nhiêu cấp phó là phụ thuộc vào nhu cầu công việc của từng cơ quan. Nhiều cơ quan đã tinh giản biên chế khi nhân sự dôi dư. Không nhà nước nào lại tuyển dụng, bổ nhiệm, trả lương để cán bộ nào đó ngồi chơi xơi nước, rỗi việc rồi bày trò tham nhũng.

Tác giả ví dụ “một công an lên đến đại úy rồi mới đi học đại học theo kiểu bằng thật, kiến thức giả để được đeo lon thiếu tá thì chuyện cán bộ kém năng lực, bị lợi dụng và tha hồ lạm dụng quyền lực là chuyện đương nhiên”. Cách ví von này có vẻ quy chụp bởi lẽ không phải hễ ít học mà chức to thì dính tham nhũng. Tham nhũng hay không là ở cái tâm con người, ở nhân cách, ở tính liêm sỉ của một công dân làm công chức.

Tác giả cho rằng đức tin tôn giáo bền vững thì tham nhũng rất ít. Xin thưa, điều này đúng nhưng chưa đủ. Chẳng lẽ ai theo tôn giáo cũng đều cao cả, còn người vô đạo thì thường có những hành vi xấu xa? Tôi muốn minh định lại, tham nhũng hay không là ở cái tâm của con người.

Cái đáng bàn về đề án này là dạy như thế nào cho hiệu quả, có cần thiết phải tách thành một nội dung giảng dạy riêng về phòng, chống tham nhũng hay không. Người dạy và người học phòng, chống tham nhũng cũng cần phải bàn lại. Trong môi trường giáo dục, thầy cô dính vào chuyện chạy trường, chạy điểm, chạy vào lớp học tăng cường, chạy bằng cấp. Ngoài xã hội thì có nạn chạy chức, chạy quyền... Vậy đối tượng cần học phòng, chống tham nhũng là thầy cô, là những cán bộ, công chức hay là học sinh?

Phòng, chống tham nhũng tốt nhất là đào tạo ra những con người không biết tham nhũng. Đó mới chính là mục tiêu của ngành giáo dục.

HOÀNG KHOA (khoa3lan@yahoo.com.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm