Cấm bán rượu, bia sau 22 giờ: Bạn đọc hiến kế “độc chiêu”

Sau khi báoPháp Luật TP.HCM đăng nhiều bài viết liên quan đến quy định bán rượu bia có thể bị cấm từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, bạn đọc từ khắp nơi đã gửi nhiều ý kiến bàn luận xung quanh đề xuất này.

Sao ở VN cấm nhiều thứ quá!

Luồng quan điểm thứ nhất là những ý kiến không đồng tình với đề xuất cấm bán rượu bia sau 22 giờ. Lý do chung được các ý kiến nêu lên là họ quá ngán cái não trạng "quản không được thì cấm" hiện nay. 

Bạn đọc Điền Bá Quang thắc mắc: “Sao ở Việt Nam cấm nhiều thứ quá. Nhà nước thì cấm nhưng người dân không thực hiện thì cấm cũng như không. Càng cấm thì càng bùng phát tệ nạn. Hiệu lực quản lý nhà nước sẽ mất dần. Tôi nghĩ không nên cấm”.  

Bạn Đỗ Quang Đán cũng nêu ý kiến: "Cái gì không quản nổi thì cấm! Nghe đến tiếng "CẤM" đã thấy chán rồi, đã thấy nổi da gà rồi! Phải quản dân thế nào để không phải dùng đến cái điều như ra lệnh với dân thế này đi? Chúng ta ban ra quá nhiều cái cấm mà có cấm nổi đâu? Cấm mại dâm thì mại dâm càng biến hóa muôn hình vạn trạng! Chúng ta nói cấm hàng giả thì hàng nhái, hàng giả càng nhiều hơn".

Theo bạn đọc Đỗ Quang Đán, ai cũng biết không nên uống nhiều rượu bia. Do vậy cần phải xây dựng cái văn hóa uống thế nào cho hợp lý. Một chén rượu, cốc bia khai vị mỗi bữa ăn đâu có sao? Lái xe là không uống rượu bia quá đúng! Vậy thì chúng ta nên xây dựng quy định không rượu bia trong giờ làm việc. Không uống đến say xỉn ! Say xỉn là phạt nặng. Uống rượu bia trong giờ làm việc thì mời công chức về nghỉ... Quy định như thế có lý hơn nhiều.

"Còn ra văn bản cấm bán rượu bia sau 22 giờ thì chỉ nên thành nếp thi đua văn hóa trong phố hoặc làng, xã. Chứ cấm cả ở các khu du lịch thì xem ra quy định trên trời chả thể thực thi được đâu? Không chừng lại đẻ ra đủ loại tiêu cực cho mấy vị có thêm quyền nhũng nhiễu! Các quan chức hãy đến với dân, hỏi dân, nghe dân nói gì trước khi ban ra những quy định, chính sách mới”- bạn đọc Đỗ Quang Đán lưu ý.

Một ý tưởng hay nhưng nhiều cái khó

Luồng quan điểm thứ hai là những ý kiến ủng hộ đề xuất siết lại việc mua bán rượu bia trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Nhấn mạnh tác hại ghê người của thứ thức uống này, bạn đọc Triều Châu cung cấp thông tin: Hiện nay khoảng 90% những tệ nạn xã hội (tai nạn giao thông, giết người, cướp của, hiếp dâm, …) đều xuất phát từ rượu bia. Rượu bia làm tiêu tốn một lượng lớn tiền bạc nhưng không mang lại hiệu quả gì.

Bạn đọc Tài Lanh cho rằng việc Bộ Y tế đưa nội dung cấm bán rượu, bia sau 22 giờ là hợp lòng dân. Cùng chung quan điểm trên, bạn đọc Nguyễn Văn Quang nhận định đây là một ý tưởng hay, tuy nhiên phải cần nghiên cứu thêm và cần có lộ trình rõ ràng, không nhất thiết là phải làm ngay.

“Cấm là đúng, nhưng tránh áp dụng tại các khu có qui hoạch vui chơi giải trí tập trung qui mô lớn. Các khu này phải có khu đậu taxi, xe buýt, xe ôm, có tổ chức dịch vụ thuê lái xe chở người uống rượu bia về nhà,... Nước ngoài cũng vậy, đi khắp Băng Cốc hoặc Pattaya chỉ có vài khu được bán bia và vui chơi thâu đêm thôi. Không ai uống bia tràn ngập và khủng khiếp như Việt Nam. Hèn gì tỉnh tỉnh đòi mở nhà máy bia?!”- bạn đọc này cho hay.

Đề xuất quy định cấm bán rượu bia xuất phát từ ý tốt của cơ quan dự thảo văn bản là "lo cho sức khỏe" người dân, nhưng liệu quy định này " đủ sức để sống” hay không? Bạn đọc Nguyễn Đặng Phương Truyền tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của quy định này. 

Bạn Truyền lý giải: “Hiện nay chưa có một thống kê chính xác nào cho biết có bao nhiêu quán nhậu. Đi đâu cũng gặp quán nhậu (nhà hàng, quán có đăng ký kinh doanh chỉ là số ít so với những quán nhậu ở hẻm, lề đường...) Do đó cơ quan có thẩm quyền rất khó xử phạt. Khách uống bao nhiêu lon, chai bia, ly rượu sao mà kiểm soát được? Không lẽ chúng ta quy định đặt camera ở tất cả quán nhậu để kiểm soát coi chủ quán có bán quá số lượng, bia, rượu? Các quán nhậu phải báo cáo số lượng khách và số lượng rượu bia bán ra để kiểm tra? Hai điều này không thể xảy ra.

Mặc khác các quán nhậu sẽ chuyển hình thức kinh doanh thay vì bán bia rượu tại chỗ nay chỉ bán mồi và khách tự mang bia, rượu tới (đương nhiên sẽ thu phí) .... Người dân sẽ có hàng trăm cách để "lách" quy định này. Nói chung là quy định này cần xem xét lại. Thay vì cấm chúng ta nên tuyên truyền để người dân thấy tác hại của rượu bia, từ đó hình thành ý thức uống bia, rượu và dừng có giới hạn”.

Tại sao không tăng thuế rượu, bia?

Riêng bạn Lê Thái Bình lại có sáng kiến nên mạnh tay đánh thuế vào rượu bia thay vì cấm bán rượu bia như hiện nay: “Giải quyết vấn đề bia rượu là cái đơn giản nhất trong những cái đơn giản. Tại sao không tăng thuế để giá chai bia hoặc rượu cao lên thì tự nhiên sẽ giải quyết được vấn đề. Không cần phải ra nhiều nghị định rồi bàn có khả thi hay không? Giả sử 1 chai bia trung bình là 12.000 đ/chai bây giờ đánh thuế cao lên để thành 80.000 đ/chai thì sẽ hạn chế bia rượu được ngay. Ngân sách nhà nước cũng được thu thêm thuế”. 

Với sáng kiến này, bạn đọc Lê Thái Bình được rất nhiều người ủng hộ. Bạn đọc có tên Người Việt cho rằng ý kiến của Lê Thái Bình rất hợp lý! "Không cần phải cấm uống rượu trước 22 giờ. Rượu, bia cứ tăng thuế thật cao. Làm như vậy thì nhất định sẽ giảm người uống và đồng thời chính phủ cũng có lợi"- bạn đọc này đồng tình.

Bạn đọc Nguyễn Văn Giang cho rằng luật chỉ hạn chế nguồn cung thôi chưa đủ mà cần điều có những chế tài thích đáng đối với những hành vi lạm dụng, hay làm trái.Ý chí của người lập pháp là hạn chế lại những tác hại của việc lạm dụng rượu, bia bằng cách đánh vào "cung" - không có ai bán rượu bia thì không có người uống, không có người uống thì không có chuyện gì xảy ra. Vấn đề đặt ra liệu khi áp dụng thì liệu có khả thi không? 

Theo ý kiến của bạn Nguyễn Văn Giang thì khó có thể đảm bảo hoàn toàn được. Ai dám chắc rằng việc kiểm tra, thanh tra có được hiệu quả không? Ai dám chắc là không xảy ra việc dân nhậu tranh thủ nhậu trước 22h, hay là tranh thủ mua rượu nia trước 22h rồi về uống không? Những qui định này đâu phải không lách được. Điểm cốt yếu vẫn là ở nhận thức bản thân mỗi người dân. Để bước đầu thay đổi, bạn đọc này cho rằng nên áp dụng đồng thời cả hai phương pháp, hạn chế "cung" thôi không đủ, cần phải điều chỉnh cả "cầu" - có nghĩa cần phải có những chế tài thích đáng đối với những hành vi lạm dụng, hay làm trái. Ngoài ra cần phải qui định rõ, chi tiết hướng dẫn cách áp dụng để tránh tình trạng lách luật. Khi qui định này được thông qua thì một bộ phận không nhỏ người dân sẽ lên tiếng phản đối, đặc biệt là những người kinh doanh trong ngành nghề này. Thiết nghĩ cũng nên có những biện pháp chia sẻ bớt phần nào với người dân”.

***

Rõ ràng những tác hại của rượu bia đối với xã hội nói chung và với từng gia đình nói riêng là điều không thể bàn cãi. Uống vài ly trong những dịp đặc biệt thì không có gì đáng nói. Nhưng rượu bia tràn lan, thả cửa, thâu đêm suốt sáng như hiện nay rồi gây ra bao hệ lụy thì đúng là đáng báo động. Chính phủ cũng đã ban hành lộ trình hạn chế rượu, bia. Các cơ quan có thẩm quyền cũng bắt đầu xây dựng khung pháp lý và biện pháp chế tài để hạn chế loại thức uống "lợi bất cập hại" này. 

Tuy nhiên, mục đích tốt thì cần phải có cách làm khả thi, nếu không sẽ khiến luật ban hành ra bị lờn thì càng gây hại. Vì thế, những ý kiến của bạn đọc góp ý trên đây cũng là một kênh cần thiết để những nhà xây dựng chính sách tham khảo, để cuối cùng chính sách ra đời sẽ đi vào cuộc sống và đạt được hiệu quả cao nhất như lý do mà chính sách ấy được ban hành.

H.Vi tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.