Cấm xe máy: Dân đi lại bằng gì?

Sau bài viết Tranh cãi kịch liệt việc cấm xe máy đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 17-6, lượng bình luận gửi về tăng cao đột biến. Hầu hết ý kiến bạn đọc đều phản đối gay gắt, thậm chí phẫn nộ cho rằng đây là chủ trương…trên trời vì thực tế người dân nước ta đang di chuyển chủ yếu bằng xe máy.

“Cấm xe máy thì dân đi lại bằng gì?” - đó là câu hỏi được tất cả mọi người, từ dân thường đến người làm nghiên cứu giao thông đô thị đặt ra. Nguồn cơn của làn sóng phản đối là chủ trương này chỉ mới “cấm” mà chưa chỉ ra giải pháp thay thế.

Kẹt xe là vấn nạn muôn thuở tại các đô thị lớn.

Độc giả Dinhuong nói vui: “Hà Nội có nhiều ngõ nhỏ rất dài, ô tô không thể vào được. Cấm xe máy lúc đó mỗi người một cái xe đạp, thành phố trở lại giống những năm 70 thế kỷ trước. Chỉ hình dung thôi cũng thấy hài rồi”.

Từ cách tính “một xe máy chiếm chưa đến 1 m2 chở tối đa hai người, tính ra 1 m2/người, một ô tô diện tích 10 m2 nhưng trung bình chỉ chở hai người, tính ra 5m2/người. Hỏi cấm cái nào đường sẽ quang hơn?”, nhiều bạn đọc như CongLy, Văn Tấn, Thanh Xuân, Khoan… cho rằng tốc độ gia tăng xe hơi cá nhân quá nhanh mới là nguyên nhân chính của nạn kẹt xe không lối thoát ở Hà Nội và TP.HCM.

Độc giả Tuấn chỉ ra “quan sát phần lớn các giao lộ, ô tô mới là nguyên nhân tắc đường. Ô tô chiếm số đông, dàn hàng ngang 3-4 làn, xe máy chẳng biết đi đường nào, đành điền vào ô trống. Cần có cái nhìn thực tế hơn là tranh cãi suy diễn”.

Ô tô, xe máy chen nhau trên đường. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Nhìn vào đô thị các nước phát triển thấy rõ bóng dáng xe máy rất ít, chủ yếu là phương tiện công cộng và ô tô. Đây là một xu thế tất yếu và Việt Nam cũng sẽ đi theo quỹ đạo đó. Chính vì vậy, có khá nhiều ý kiến ngược dòng như của bạn Trần Bảng Đại: “Làm cách mạng là phải hy sinh. Tất nhiên, phải có ý kiến phản đối nhưng nhiều lợi ích cho tương lai thì vẫn phải làm”.

Không phải người dân muốn đi ngược thời đại. Đơn giản là họ cần một giải pháp. Cho đến khi các nhà quản lý chưa gỡ được nút vướng đó, chủ trương này vẫn sẽ bị phản đối.

“Tìm một giải pháp khoa học, hợp tình hợp lý với điều kiện sống của đại bộ phận dân chúng để tham gia giao thông chứ không phải lệnh cấm tùy tiện” là góp ý chí lý của độc giả LeCongLy. Bạn Nguyễn Minh Thủy nêu thực tế “chưa cấm xe máy mà xe buýt đã quá tải vào giờ cao điểm. Cấm rồi dân đi bằng gì đến nơi làm việc?”.

Các phương tiện công cộng chưa phải là lựa chọn của đa số người dân.

Nói riêng ở Hà Nội, chưa kể đến giao thông công cộng còn quá hạn chế, chỗ cho người đi bộ càng nan giải hơn. Độc giả Vũ Kỹ nói: “Hiện nay nhiều phố ở Hà Nội có vỉa hè quá hẹp, thậm chí có phố không có vỉa hè, vậy dân đi bộ dưới lòng đường sao? Đông người đi xe buýt thì sẽ quá tải mà tăng lượng xe buýt và ô tô thì không giải quyết được nạn kẹt xe. Nếu giao thông công cộng tốt lượng xe máy sẽ tự giảm, không cần phải cấm”.

Bạn Lu Long hiến kế: “Xây dựng lộ trình bố trí giao thông từng năm năm một trong 30 năm. Từ phát triển hạ tầng, quy hoạch khu dân cư đến phương tiện giao thông, ngân sách, khả năng quản lý... để dân thấy rõ khả năng hiện thực hóa mô hình đó, định hướng sắp tới mình phải tham gia giao thông thế nào? Trách nhiệm của cá nhân tham gia vào kế hoạch chung này? Cần tổng kết nghiêm túc sự không thành công của BRT để tránh lặp lại. Không nên vì kế hoạch cấm xe máy sắp đến gần mà vội vàng quyết làm đoạn đường 3.000 tỉ đồng/1 km”.

Tóm lại, để xóa được xe máy cùng sự phẫn nộ của đông đảo người dân đang “bị dọa” phải vứt bỏ phương tiện đi lại thiết thân, các nhà quản lý phải đi đúng lộ trình, không thể đốt cháy giai đoạn bởi đó là bất khả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm