Cẩn thận bẫy ‘bùa ngải’ trên mạng xã hội

Thời gian gần đây xuất hiện nhiều trang Facebook, hội nhóm có hoạt động mua bán bùa ngải một cách rầm rộ.

Các loại bùa ngải từ ngoại nhập đến nội địa, lấy từ vùng núi cao, của đồng bào dân tộc… được quảng cáo là có tác dụng thần kỳ. Khá nhiều người dân đang bị thu hút bởi những người mua bán niềm tin tâm linh này.

Quảng cáo “đáp ứng” mọi yêu cầu

Chỉ cần nhấn tìm từ khóa “bùa ngải” trên Facebook thì sẽ ra được hàng loạt kết quả. Từ bùa yêu để thu hút người khác giới đến nuôi bé Kumanthong (Thái Lan) để cầu tài lộc, từ bùa sai khiến người khác đến bùa trả thù… đều được quảng cáo rầm rộ.

Những người bán dùng nhiều hình ảnh các thầy cúng, người mua khen ngợi đến livestream để lôi kéo niềm tin của khách hàng.

Trong vai là một người thất tình, phóng viên liên hệ với chủ tài khoản Facebook NLBN - chuyên cung cấp bùa yêu, dầu ngải tình yêu. Người bán hàng mời chào nồng nhiệt, cho biết đây là bùa của người dân tộc ở Cao Bằng. Không chỉ làm cho đối phương yêu mình mà còn khiến người ấy… không thể lấy hay yêu bất kỳ ai khác.

Tương tự, Facebook tên BN cho chúng tôi xem một loại bùa có xuất xứ Thái Lan. “Kumanthong dạng Thần Bé đã được một cao tăng đúc và luyện ra trước khi qua đời. Chỉ cần mang Kumanthong theo mình thì may mắn, tài lộc sẽ dồi dào. Bùa này cũng có tác dụng trả thù giúp gia chủ, hộ mạng, đắc nhân tâm…” là những lời hoa mỹ được người bán chào mời.

Giá cả của các loại bùa rất linh hoạt, từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một món và có thể “ship hàng” toàn quốc bất cứ lúc nào. Dịch vụ này đang khá rầm rộ và được giới văn phòng truyền miệng, có nghi hoặc song không ít người đã tin tưởng để mua bùa. Mỗi ngày người mua kẻ bán vẫn tấp nập giao dịch, bình luận trên các diễn đàn mà không biết là hành vi này vi phạm pháp luật.

Nhiều nơi rao bán bùa ngải với những lời đồn thổi đến khó tin. Ảnh: ĐÀO TRANG

Trục lợi từ bùa ngải là vi phạm pháp luật

Theo luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo định nghĩa: “Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng”.

Mọi người dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, nếu lợi dụng vào tín ngưỡng mà có một trong các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm theo quy định tại Nghị định 158/2013 thì coi như vi phạm pháp luật.

Việc mua bán bùa ngải là một trong những hành vi mang tính chất mê tín dị đoan để trục lợi. Người vi phạm có thể bị xử phạt tiền 3-5 triệu đồng vì lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi (tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 158/2013).

Do đó, người dân cần nâng cao nhận thức, tránh tin tưởng lời quảng cáo vô căn cứ của người bán. Cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng phải có biện pháp siết chặt các hoạt động phản cảm này.

Bị xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng

Theo Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Có thể bị phạt tù 3-10 năm nếu gây hậu quả chết người; thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền10-50 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm