Cảnh báo mập mờ của công an làm khổ chủ nhà

Từ tháng 3-2017, Cơ quan CSĐT Công an quận 3 đã gửi thông báo đến nhiều cơ quan cho biết căn nhà trên có dính dáng đến việc làm giả giấy tờ để bán nhà từ chủ cũ (cách ba lần đổi chủ) và đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự vào tháng 1 cùng năm.

Lý do gửi thông báo này là để các cơ quan “có biện pháp phòng ngừa”. Từ chỗ dễ dàng nhận thấy công văn đó không hề có nội dung đề nghị ngăn chặn việc chuyển nhượng nhà nên các cơ quan công chứng và chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở huyện đã giải quyết bình thường cho các chủ trước thực hiện nhiều giao dịch (như thế chấp, bán qua hai chủ và sau cùng là bán cho anh B.).

Thế nhưng giờ đây, cũng căn cứ vào thông báo đó, một phòng công chứng đã đình lại việc bán nhà của anh B. vì cho rằng “nhà đang có tranh chấp” mặc dù ai tranh chấp với ai không rõ, còn anh B. thì không bị ai tranh chấp cả.

Khoản 2 Điều 133 BLDS 2015 quy định rõ: “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu”. Theo đó, nếu cho là hợp đồng mua bán nhà của người chủ trước đó bị vô hiệu bởi có người giả chữ ký để thực hiện thì với việc căn nhà đã được sang tên hợp pháp, đã được bán hợp pháp cho người khác để từ đó bán tiếp cho anh B. thì giao dịch của chủ trước anh B. và kế tiếp là của anh B. không bị vô hiệu. Vì lẽ này, anh B. phải được các cơ quan chức năng giải quyết cho chuyển nhượng nhà hay thực hiện các quyền khác trong quyền sở hữu nhà như cho thuê, thế chấp nhà...

Thêm một đề xuất khác nhân vụ việc này như sau: Đối với các thông tin liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, các cơ quan nhà nước cần hết sức thận trọng, có trách nhiệm, tránh việc đánh trống bỏ dùi.

Về phía CSĐT quận 3, tính từ lúc khởi tố vụ án đến nay đã gần 10 tháng. Vậy kết quả xử lý vụ án thế nào, có tạm đình chỉ hay đình chỉ điều tra hay không…, vì sao không tiếp tục báo tin để Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng TP cập nhật, giải tỏa nội dung cảnh báo trước đó nhằm giúp chủ nhà hiện tại không bị vạ lây? Về phía trung tâm, cũng nên có đề xuất, yêu cầu để các cơ quan khác có sự phối hợp tốt trong việc cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tránh việc “treo” hoài các thông tin mập mờ khiến một số công chứng viên chùn tay làm quyền lợi hợp pháp của người chủ nhà đất bị “treo” theo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm