Câu chuyện COVID-19 bao trùm hai ngày rưỡi hoạt động chất vấn của Quốc hội

Ít có hoạt động nào của Nhà nước lại nhận được sự quan tâm sâu sắc của người dân như các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội. Bởi đó là phiên họp của hi vọng và tâm tư, là mong đợi về lời hứa và thực hiện lời hứa.

Hai ngày rưỡi hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn mà Quốc hội vừa hoàn tất trưa qua, 12-11, phản ánh những đặc điểm như thế.

Là hoạt động chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XV, cũng là đầu tiên với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, phiên họp này diễn ra trong bối cảnh cả nước vừa vượt qua khoảng thời gian tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19, ở làn sóng lây nhiễm thứ 4 của nó, và chuyển từ giãn cách tuyệt đối, “nhà cách nhà, người cách người” của chiến lược zero COVID, từng bước chắc chắn sang sống chung, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: QH 

Vậy nên, khi thiết kế chương trình chất vấn, Quốc hội đã thống nhất tập trung vào các chủ đề gắn liền, xoay quanh công tác phòng chống dịch và phục hồi đời sống kinh tế, xã hội. Như thế, những thành viên Chính phủ được chỉ định đăng đàn là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Trong quá trình chất vấn, khi có nội dung liên quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phạm vi nhiệm vụ của mình, nhất là ở vai trò Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, cùng các bộ trưởng, trưởng ngành khác đều được người điều hành – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ định trả lời, làm rõ vấn đề mà ĐBQH đặt ra. Và trước khi kết thúc phiên chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo, giải trình thêm, cũng như trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH.

Chất vấn và trả lời chất vấn không chỉ là hỏi đáp. Hơn tất cả, đây là một hình thức giám sát của Quốc hội, mà mục đích chung là đảm bảo chế độ trách nhiệm ở tầm cao nhất – tầm chính sách. Chất vấn được truyền hình trực tiếp tới mọi người dân là cách thức sôi động nhất mà một thiết chế hoạt động  theo chế độ hội nghị như Quốc hội có thể làm.

Mang tới nghị trường nỗi băn khoăn của nhiều cử tri, nhưng ĐBQH như bà Phạm Thị Thanh Mai đã thẳng thắn hỏi: Nếu Việt Nam triển khai chiến lược vaccine sớm hơn thì hẳn sẽ hạn chế được nhiều thiệt hại về người và của, vậy trách nhiệm của Bộ trưởng Y tế thế nào?

Cũng như vậy, khi hàng loạt cán bộ, bác sĩ, kể cả người có chuyên môn giỏi của ngành y gần đây bị khởi tố, điều tra về các sai phạm kinh tế, thì nguyên nhân, trách nhiệm ở đâu cũng được ĐBQH Trịnh Xuân An đặt ra trong chất vấn của mình.

Mới quay lại lãnh đạo Bộ Y tế từ cuối nhiệm kỳ trước, khi đại dịch COVID-19 mới xâm nhập vào Việt Nam, được tín nhiệm tái cử ở Chính phủ khóa mới, hẳn nhiên Bộ trưởng Long không phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những vụ sai phạm như vậy. Nhưng giải trình, bày tỏ cảm xúc, thái độ “rất đau lòng vì những sai phạm xảy ra, nhưng phải xử lý đúng quy định” như ông nói là cần thiết để ngành y tế nhìn về phía trước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên chất vấn. Ảnh: CTV

Phiên chất vấn dù chức năng chính là thúc đẩy chế độ trách nhiệm với những quan chức do Quốc hội bầu ra, thì còn là cơ hội để những người hành pháp chia sẻ một cách trực tiếp không chỉ với người bầu ra mình, mà cả cử tri qua màn hình nhỏ, về những khó khăn, thách thức của thực tiễn sôi động ngoài phòng họp. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tận dụng được cơ hội ấy, để mô tả nỗi day dứt của mình cũng như lãnh đạo các tỉnh thành phía Nam trong những đêm mưa phải cân nhắc thiệt hơn trước dòng người từ TP.HCM tìm mọi cách về quê thoát khỏi bế tắc phố thị trong những ngày đen tối dịch dã, chết chóc.

Kỳ họp Quốc hội cuối năm được tổ chức khi cả nước đã cơ bản kiểm soát được đợt bùng phát dịch thứ 4, đủ để Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phần trình bày của mình tự tin báo cáo với các ĐBQH là “đã tạm hình thành lý thuyết chống dịch".

Lý thuyết ấy được rút ra, như người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn trước nghị trường: "Chúng ta có trả giá, có cái chưa được, qua chống dịch đã rút được nhiều kinh nghiệm và dần thích ứng, hiểu được dịch bệnh này". Lý thuyết ấy được đúc kết từ chính những cách hiểu chưa thống nhất, khi phương châm mà chính ông nhiều lần nhấn mạnh – lấy xã, phường làm pháo đài, xuống tới địa phương lại hiểu không đúng, biến thành lô cốt, bao vây lại, gây ra ách tắc kinh tế, cản trở cuộc sống người dân.

Với 134 đại biểu tham gia, nội dung được đưa ra bám sát với thực tế cuộc sống, với trăn trở, bức xúc của cử tri, hai ngày rưỡi chất vấn cho thấy cả hai phía ĐBQH và Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ đã không né tránh vấn đề khó, phức tạp. Người trả lời đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế, cam kết khắc phục.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm