Cày game, ngồi quán, câu like = Sống nhảm?

Bài viết Trào lưu sống nhảm nhí (báo Pháp Luật TP.HCM ngày 21-8) nêu tình trạng nhiều bạn trẻ, kể cả số ít người không còn trẻ, chạy theo game - gần đây là trò chơi Pokémon Go cùng các thứ “tào lao” khác, sống thiếu mục đích, phương hướng. Sau bài báo, bạn đọc và các chuyên gia tiếp tục có nhiều ý kiến khác nhau về lối sống này.

Nhiều kiểu khác còn nhảm hơn mê Pokémon

Tôi không nghĩ chơi Pokémon Go là trào lưu nhảm nhí. Người ngoài nhìn những ai chơi game có thể sẽ lắc đầu ngao ngán. Thật ra do họ không chơi, họ sẽ không thể hiểu được niềm vui, sự thú vị mà trò chơi mang lại. Xin đừng phiến diện một chiều mà gắn mác “tào lao” cho những trò chơi giải trí. Chẳng phải hàng triệu người Việt từng hãnh diện vì một Nguyễn Hà Đông - cha đẻ của flappy bird đó sao? Nếu bạn muốn tài giỏi như vậy, bạn không thể nào cả đời không biết đến một trò chơi.

Trào lưu xấu trong giới trẻ ngày nay chính là lối sống ảo, khoa trương. Những nút like trên Facebook và Instagram biến nhiều người trở nên “sống ảo” vì chạy đua theo chúng. Nhiều khi thực tế khác xa những gì ta thấy trên mạng, thói khoa trương có nhiều đất sống hơn, khi ai cũng gồng lên để khoe mình ăn ngon, mặc đẹp và có một cuộc sống chỉ toàn thụ hưởng. Tôi đã gặp rất nhiều dạng người gia đình bình thường nhưng thích thể hiện, post hình “sang chảnh” cốt để câu like. Đi ra quán ăn phải trèo lên ghế chụp ảnh từ trên xuống, phải đến những địa điểm hot để có tấm ảnh chứng tỏ mình là fashionista dù thực tế thì… Hoặc có những bạn uống cốc cà phê ở nhà phải bày biện thật đẹp, cùng chăn gối sách truyện, trong khi thực tế cà phê nhạt thếch và sách không đọc một chữ, chụp xong rồi ngồi đếm like còn sách vứt đâu không biết.

Nhà văn HÀ MẠNH, người sáng lập dự án “Trước ngày 25”

Bắt Pokémon trên đường Trương Định, TP.HCM. (Ảnh chụp ngày 24-8) Ảnh: HTD

Mỗi người một sở thích, đừng chỉ trích

Mỗi người có một sở thích khác nhau, không nên đánh giá hay chỉ trích. Tôi thích đọc sách, em trai tôi thích chơi game. Dù tôi rất “điên người” khi thấy thằng em mê game nhưng đó là sở thích của nó và để hạn chế điều này, tôi bảo em tôi nấu cơm, đi giao hàng giúp. Tôi không bao giờ cho tiền chơi game mà bảo: Muốn có tiền chơi game thì tự kiếm. Vậy là ngoài thời gian đi học, em tôi xin làm nhân viên phục vụ. Phải ra ngoài tự kiếm tiền trang trải chi phí nên em tôi dần hiểu chơi game chỉ nên chừng mực, cu cậu đi làm về mệt lăn ra ngủ rồi học bài, không còn mải cày game nữa.

Tôi nghĩ ai cũng phải trải qua một quá trình. Khi chính họ trải nghiệm và cảm nhận, họ sẽ nhận ra có cần thiết chạy theo trào lưu đó nữa hay không. Việc chỉ trích, phê phán sẽ hiếm khi làm họ thay đổi, trừ khi chính họ tự nhận ra cần thay đổi. Hiện nay tôi thấy nhiều bạn trẻ đang sốt với trào lưu: Kể về bảy công việc đầu tiên, ăn mì cay bảy cấp độ… Tôi từng chứng kiến nhiều bạn ăn mì cay không được, nước mắt chảy tèm lem mà vẫn cố rồi post hình chứng tỏ này nọ. Sau này họ sẽ nhận ra những hậu quả: Tốn tiền, mất thời gian, đau dạ dày… và sẽ tự từ bỏ.

NGUYỄN THỊ THANH HOA, cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Chắc gì ăn cùng cha mẹ bữa cơm

Trò chơi Pokémon Go không chỉ những người trẻ mà ngay cả người lớn, người đã có gia đình cũng thích. Những ngày trước tôi từng đọc được thông tin: Người mẹ trẻ dường như mải bắt Pokémon nên con rơi xuống hồ, may có người cứu được cháu bé. Nếu sự việc đúng như thế thì đau lòng quá. Lẽ nào người phụ nữ đã có gia đình, đã có con nhỏ nhưng chỉ vì thích chơi game hơn chơi với con nên khiến con gặp nguy hiểm?

Nói đâu xa xôi, ngay gần nhà tôi, đầu đường số 19, phường 16, quận Gò Vấp (TP.HCM) có hai ngôi chùa. Những ngày trước, thấy người ta chen nhau đến chủ yếu là những người trẻ, tôi cứ nghĩ họ đi chùa nhưng sau hỏi ra mới biết là đến bắt Pokémon. Có người ngồi từ chiều đến tối mịt mới về, có người sáng tôi đưa con đi học thấy ngồi đó, chiều đón con về vẫn thấy ngồi đó. Chơi kiểu ấy, một bữa cơm ăn cùng cha mẹ còn khó, nói gì đến nấu cho cha mẹ ăn hay phụ việc nhà.

Mải chơi, những người trẻ đang làm tổn thương nhiều mối quan hệ, đặc biệt là những mối quan hệ gia đình vì đâu còn thời gian để trò chuyện, quan tâm đến những người thân, những người xung quanh. Trò chơi không có lỗi nhưng vì thế hệ trẻ thiếu bản lĩnh, thiếu đam mê cống hiến, không tìm được mục đích sống nên bị cuốn vào game, bị nghiện đến nỗi mưa gió cũng đội áo mưa ra đứng gốc cây.

Con tôi mới lớp 8, chúng tôi có cho cháu chơi game nhưng là những game kích thích trí tuệ và kiểm soát giờ giấc sử dụng điện thoại để đảm bảo con không nghiền. Trong những bữa ăn, những buổi nói chuyện gia đình, hai vợ chồng tôi vẫn kể cho con nghe về tác hại của việc quá mê Pokémon: Đi đường không nhìn đường mải bắt Pokémon nên đụng xe, dễ gây nguy hiểm cho người khác… Quan trọng nhất là cùng con định hướng đam mê. Con thích đọc sách, chơi đàn thì hãy khuyến khích con. Khi bận rộn với đam mê, con sẽ không còn thời gian chơi những trò vô bổ nữa. Tôi không ủng hộ việc cấm vì thực tế càng cấm sẽ càng khiến con tò mò, con càng quyết tâm làm cho bằng được. Bố mẹ có thể nương theo sở thích của con để định hướng đúng cho con.

Tiến sĩ xã hội học PHẠM THỊ THÚY,
chuyên gia tham vấn tâm lý

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm