Chạm đích hạnh phúc bằng bánh xe lăn

Chạm đích hạnh phúc bằng bánh xe lăn ảnh 1

Hậu với niềm hạnh phúc riêng trọn vẹn.

Đừng tuyệt vọng tôi ơi!

Virút bại liệt lây chính qua đường tiêu hoá

BS Hoàng Tương Giao, viện Pasteur TP.HCM cho biết: Sốt bại liệt là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do siêu vi trùng đường ruột Poliovirus gây ra, có thể lây lan thành dịch. Khi bị nhiễm trùng, một số ít bệnh nhân có biểu hiện liệt, còn phần lớn là bệnh thể nhẹ, thể không liệt hoặc thể không có triệu chứng lâm sàng. Đường lây chính của virút bại liệt là tiêu hoá, trực tiếp từ phân-miệng hoặc gián tiếp qua nước, thực phẩm, tay bẩn nhiễm phân người bệnh (một lượng phân rất nhỏ của bệnh nhân có thể chứa hàng ngàn liều virút gây bệnh). Hầu hết trẻ tiếp xúc với bệnh nhân trong cùng gia đình và 87% các trường hợp tiếp xúc hàng ngày có thể bị nhiễm virút bại liệt. Đã có vắcxin phòng ngừa sốt bại liệt.

D. Nhân ghi

Phải gắn cả ngày với chiếc xe lăn sau một cơn sốt bại liệt năm 5 tuổi, đi học muộn do chạy chữa bệnh, nghỉ học từ năm lớp 9 vì trường quá xa, một mình từ Hà Nam lên Hà Nội lập nghiệp, thế mà cô gái vừa tròn 30 ấy có lưng vốn 11 năm kinh doanh thương trường, đã hoàn thành chương trình bổ túc THPT và đang là sinh viên năm cuối cao đẳng Y tế Phú Thọ, có một gia đình êm ấm. 24 giờ mỗi ngày dường như đều được cô sử dụng triệt để, khi mà ngoài công việc học hành, kinh doanh, Hậu vẫn dành khoảng thời gian rảnh rỗi ít ỏi của mình để trau dồi kỹ năng chơi đàn, vẽ, hát.

Tôi gặp Hậu tại gian hàng bán sim điện thoại của cô trên phố Vũ Thạnh – Hà Nội. Ngoài mặt hàng đã kinh doanh bốn năm này, hai vợ chồng Hậu vừa thử nghiệm bán thêm kính mắt. Chả là chồng Hậu vốn đi lao động ở Nga, nhưng giờ ở lại hẳn trong nước để lo xây dựng kinh tế với vợ nên đang bắt đầu học nghề kinh doanh. Từ khi có chồng cùng lo, Hậu không thuê người làm như trước, bớt được chi phí để còn lo cho con cái sau này. Đám cưới cuối năm 2012 là kết thúc có hậu cho câu chuyện tình của cô với người bạn thân thiết nhiều năm. Trước câu hỏi dễ hiểu của tôi về mối tình ấy, Hậu cười với ánh mắt rạng ngời: “Anh ấy vượt qua được khó khăn thì em cũng sẽ vượt được mà thôi”. Cô bẽn lẽn: “Năm nay em cũng đã 30 tuổi, nên hai đứa dự định sinh con luôn”.

Hậu điểm lại cho tôi nghe những mốc thời gian mà với cô như vừa xảy ra. Tuổi tới trường, niềm mong ước duy nhất của Hậu là được tung tăng chạy nhảy. Nhiều áp lực, dễ tủi thân và hay mặc cảm, Hậu dần thu mình lại. Lên cấp ba, nhà cách trường tới năm cây số, cha mẹ anh chị đều bận việc không thể hàng ngày đưa đón nên Hậu phải nghỉ học. Rồi Hậu đi học nghề, mở cửa hàng may để tự nuôi sống. Chân đạp môtơ điện của chiếc máy may được chỉnh cho nhẹ hơn, để đôi bàn chân nhỏ và lắm lúc không dễ bảo của Hậu có thể điều khiển được. Suy nghĩ mình còn trẻ còn cơ hội học, Hậu một mình lên Hà Nội học thêm nghề may. Nhưng đi hết cửa hàng này đến cửa hiệu khác, cô chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối. Bởi chẳng ai muốn thuê người ngồi xe lăn, chiếm một chỗ trong cửa hàng chật chội mà chưa biết có được việc hay không. Cô trở về và mở một cửa hàng, nhận hàng may cao cấp, can ra giấy để học cách cắt. Cứ thế, vừa đi học bổ túc cấp ba vừa làm, cửa hàng của Hậu vẫn dần đông khách.

Không cam làm thợ mãi

Nhưng cô gái nhỏ nghĩ “Phải làm thầy chứ không làm thợ mãi”. Thế là Hậu trở thành sinh viên khoa Dược trường cao đẳng y tế Phú Thọ. Giảng đường ở tầng 2, phòng ở tận tầng 5 ký túc xá, nhưng Hậu vẫn quyết tâm học với trù tính sau khi tốt nghiệp sẽ mở cửa hàng kinh doanh thuốc. Hậu còn quyết lấy được tấm bằng loại ưu, để dành tặng một người đặc biệt.

Đó là ngày đầu mở hiệu may, một người khách nữ tuổi ngoài 60, khuôn mặt nhân hậu bước vào. Bác bảo Hậu: “Bác để ý ngay từ ngày đầu cháu đến nơi này. Thực ở đời nhiều việc khó nhưng không có nghĩa không làm được, quan trọng là con người ta có thực sự thiết tha, có đủ phương pháp và nghị lực biến niềm đam mê thành nghệ thuật hay không. Cố lên cháu gái”. Câu nói khích lệ đã giúp Hậu trở nên mạnh mẽ. Và cũng từ đó cô đủ niềm tin gắn bó công việc. Hậu kể: “Theo thời gian tôi biết cắt đồ đẹp hơn, trong tôi dần xuất hiện sự hăng say, khéo léo cẩn thận, biết yêu thương và đánh giá cái đẹp. Bác giúp tôi biết quan tâm mọi khách hàng, để tôi không chỉ biết làm đẹp cho bác mà còn làm đẹp cho mọi người, làm đẹp cho đời”.

Nguyễn Thị Hậu vừa đăng ký tham gia cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết 2013” trung tuần tháng 4 tới tại Hà Nội. Với Hậu, đây là một lần nữa được chạm tay vào hạnh phúc và cô mong muốn sẽ có nhiều phụ nữ thiệt thòi có được cơ hội như thế. Một ước mơ giản dị và đầy yêu thương, có lẽ chỉ có ở những người mà định mệnh đã không cho họ một đôi chân lành lặn, nhưng họ đã đứng lên và làm chủ đời mình trên đôi chân tinh thần còn vững vàng và mạnh mẽ hơn thế.

Theo Gia Bảo (SGTT.VN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm