Chỉ nhảy lên nắp capô khi không còn lựa chọn

Trong tất cả trường hợp, CSGT nhảy lên nắp capô, bám vào cần gạt nước đều do không còn lựa chọn nào khác.

Đằng sau CSGT là gia đình

Theo quy định, khi phát hiện trường hợp vi phạm Luật Giao thông, CSGT sẽ ra hiệu lệnh dừng xe. Thế nhưng có rất nhiều trường hợp tài xế đi chậm lại rồi CSGT đứng trước xe để yêu cầu dừng thì đột ngột tài xế tăng tốc, bất chấp tính mạng của người thi hành công vụ. Trong tình huống đó, CSGT không thể tránh kịp nên chỉ có ba lựa chọn: Một là nhảy ra ngoài, hai là bám vào cần gạt nước hoặc nắp capô và ba là chui xuống gầm (đối với những xe gầm cao).

Tuy nhiên, nhiều trường hợp mặc dù nhảy ra tránh nhưng vẫn không kịp và bị thương. Đơn cử như trường hợp mới đây trên đường Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội), một chiến sĩ của Đội CSGT số 14 ra hiệu chặn chiếc taxi vi phạm nhưng tài xế vẫn lái xe tông thẳng vào người. Mặc dù chiến sĩ này nhảy ra ngoài để tránh nhưng vẫn bị tông gãy chân.

Đây là lựa chọn bắt buộc để đảm bảo an toàn cho chính mình, không có CSGT nào muốn đánh đổi tính mạng bằng việc bám nắp capô cả. Đằng sau họ còn có cả gia đình, người thân và nhiều thứ quý giá khác. Nhiều ý kiến cho rằng CSGT cứ thế lao ra rồi nằm lên nắp capô hoặc bám vào cần gạt nước là không đúng. CSGT đã ra hiệu dừng nhưng tài xế đột ngột tăng ga trong tích tắc, họ phải xử lý như vậy, không còn lựa chọn khác.

Truy đuổi tội phạm cũng phải an toàn

Trong tuần tra kiểm soát, khi phát hiện xe vi phạm, CSGT phải kiên quyết dừng và xử lý, vừa để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, vừa đảm bảo an toàn cho các phương tiện khác lưu thông trên đường.

Tùy vào trường hợp, nếu tài xế cố tình vọt qua với tốc độ cao, không chấp hành hiệu lệnh thì CSGT ở chốt đó có thể ghi lại đặc điểm của xe (biển số, màu xe, loại xe…) rồi thông báo cho các chốt khác phối hợp hoặc báo cáo lãnh đạo để tổ chức truy bắt, hoặc tiến hành phạt nguội thông qua hệ thống camera. Còn với đường cao tốc, CSGT chỉ được kiểm soát tại các đầu ra và vào, chỉ dừng xe trong những trường hợp đặc biệt như tội phạm hoặc gây nguy hiểm cho các phương tiện khác.

Với những trường hợp đặc biệt khác như tội phạm ma túy thì phải truy đuổi, có thể sử dụng ô tô, mô tô nhưng phải giữ tốc độ an toàn, phải dùng loa còi báo động, yêu cầu bằng hiệu lệnh. Với trường hợp lái xe cố tình chèn ép tổ tuần tra, có dấu hiệu của tội phạm thì được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Xử nghiêm nếu chống người thi hành công vụ

Có rất nhiều lý do cho việc chống đối CSGT nhưng theo tôi, lý do nào cũng là ngụy biện. Bởi việc chống người thi hành công vụ là do ý thức rất kém của tài xế, cả về đạo đức ứng xử và chấp hành pháp luật. Đây là hành vi cố ý chống lại pháp luật, muốn tước đoạt mạng sống của người khác nên hoàn toàn đủ yếu tố để xử lý cả về hành chính lẫn hình sự.

Nếu người dân không đồng tình với cách làm việc, tác phong hoặc ứng xử của CSGT thì hoàn toàn có thể khiếu nại, không nên lấy đó để gây sức ép hoặc vin vào làm căn cứ cho những hành vi sai phạm.

Để giảm tình trạng chống người thi hành công vụ, người tham gia giao thông phải chấp hành pháp luật, chấp hành hiệu lệnh của CSGT, có kỹ năng lái xe, đạo đức và tâm lý tốt. Nhiều lái xe không có đủ các yếu tố này, hễ có tai nạn là bỏ chạy, thậm chí xuống xe gây gổ đánh nhau...

Trung tá NGUYỄN QUANG NHẬT, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TT-ATGT, Cục CSGT

Thượng tá Lâm Văn Long, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bình Phước:

CSGT không thể đùa với tính mạng

Chỉ nhảy lên nắp capô khi không còn lựa chọn ảnh 2
 
Trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, điều tiết giao thông ở Bình Phước, PC67 luôn quán triệt với cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng phải thực hiện phương châm: Không thể đem tính mạng mình và người đi đường để đùa được, vì những đối tượng lái xe manh động, chống hiệu lệnh CSGT sẽ cố chạy. CSGT càng đu bám lên xe thì đối tượng càng chạy tốc độ cao, có thể gây tai nạn cho người lưu thông. Đối với những đối tượng lái xe manh động, có tính chất côn đồ thì CSGT không được nhảy lên capô xe hay đu theo phương tiện vi phạm. Vì như vậy rất nguy hiểm đến tính mạng cán bộ và người đi đường. Trong trường hợp vậy cần thông báo để các đơn vị CSGT trong tuyến đường phối hợp chốt chặn có biện pháp xử lý phù hợp.

NGUYỄN ĐỨC ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm