Chia sẻ thay vì kỳ thị

Lúc mới phát hiện xu hướng lạ lùng của con gái mình, tôi hoang mang vô cùng. Những năm cuối cấp 2, thấy con mập mạp khác thường, tôi nghĩ chắc con phát tướng ở tuổi dậy thì. Nhưng khi lên cấp 3, con cũng chẳng thon thả hơn. Ngược lại, con ăn mặc giống như con trai, đi đứng, nói năng với bạn bè hay tỏ ra đàn anh, đàn chị. Nhiều lần tôi vặn hỏi, con gái cự lại: “Mẹ cứ nói linh tinh, tại tính khí con nó vậy”. Đến chừng vô tình xem nhật ký con, tôi mới biết con mình les thật rồi!

Hỏi chuyện, có người bảo chứng bệnh ấy vẫn có thể trị được bằng cách bơm hormone nữ tính gì đó vào người con nhưng phải mất rất nhiều tiền. Hằng ngày, cả nhà tôi vẫn chuyện trò, đối xử với con như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng tôi biết, lúc vắng con, các cậu, dì, chú, bác của con cứ lắc đầu lia lịa, xem như chẳng còn hy vọng gì nữa. Chồng tôi thường an ủi tôi: “Cùng lắm thì xem như mình không có cháu ngoại”. Không ghét bỏ con nhưng tôi không thể chấp nhận cảnh con cặp đứa này, quen đứa kia (dĩ nhiên là con gái); rồi đi chơi qua đêm, dắt bạn về nhà ngủ... Là mẹ, tôi đau khổ biết dường nào, có đêm khóc sưng cả mắt.

Đem chuyện này nói với người cậu của cháu, tôi lần hồi vỡ lẽ và thương con mình đến đứt ruột. Cậu ấy cũng có nhiều người bạn bị như thế, có người đã mấy lần tự vẫn nhưng đến phút chót nghĩ thương mẹ mình nên gạt nước mắt gượng sống cho đàng hoàng. Đàng hoàng nghĩa là quên mình đi, lỡ có yêu ai, rung động trước ai cũng im lặng mà chôn chặt nỗi niềm. Trong cơ quan cậu ấy cũng có vài người bị tương tự nhưng họ vẫn làm việc giỏi giang, vẫn yêu nhưng không phải yêu vội sống cuồng và không hề qua đêm thác loạn...

Suy nghĩ mấy đêm, tôi quyết định gặp riêng con để nói chuyện. Tôi bảo con đừng giấu mẹ nữa, lẽ ra khi biết mình bị vậy thì con phải nói ngay cho mẹ biết. Chắc chắn mẹ luôn là người đầu tiên chia sẻ với con những đau khổ, trái ngang con gặp trong đời. Chẳng may con bị như thế chứ con đâu có học đòi, hư đốn. Dẫu con có là con gái hay con trai thì tình cảm của bố mẹ vẫn không hề suy giảm. Dẫu khó nhưng con vẫn có thể tìm kiếm một nửa của mình nếu biết sống có trách nhiệm...

Rất may là con gái tôi, mà không, con trai tôi đã không để mẹ nó độc thoại một mình và nó đã nói ra tất cả những điều cần nói. Rõ ràng là con-trai-tôi đã trưởng thành. Từ đây, tôi và chồng tôi quyết luôn là chỗ dựa của con để con không còn thấy cô đơn hay hoang mang trước sự kỳ thị (nếu có) của những người xung quanh.

TRẦN THỊ NHƯ (Quận Tân Bình, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm