Chống bức cung, nhục hình - Kỳ 1: Quy định không thiếu nhưng vận dụng thì quá yếu!

Qua thông tin về những vụ án "Bức cung, Dùng nhục hình" đăng trên các phương tiện truyền thông thời gian gần đây cho thấy tình trạng trên đang ở mức "báo động". Để hạn chế tình trạng trên, nhiều chuyên gia và những người am hiểu pháp luật kiến nghị cần tăng cường biện pháp đảm bảo người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có thể thực hiện quyền nhờ Người bào chữa ngay từ thời điểm bị tạm giữ hoặc bị khởi tố; Tăng cường vai trò giám sát của Viện kiểm sát đối với công tác giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, công tác tạm giữ, tạm giam; Quy định cụ thể trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; Phải xử lý nghiêm các hành vi bức cung, dùng nhục hình; Tăng cường công tác kiểm tra của cấp trên đối với hoạt động của Cơ quan điều tra cấp dưới...

Từ nội dung quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật TTHS có thể nói pháp luật của chúng ta không thiếu những Điều luật điều chỉnh các vấn đề trên. Vấn đề khó khăn là ở thực tiễn vận dụng các điều luật đó.

Thứ nhất, việc đảm bảo người bị tạm giữ, bị can có thể thực hiện quyền nhờ Người bào chữa ngay từ thời điểm bị tạm giữ hoặc bị khởi tố, thì tại Điều 48, Điều 49 Bộ luật TTHS đã quy định thừa nhận người bị tạm giữ, bị can có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Nhưng khi họ bị giam, giữ trong "bốn bức tường âm u" thì việc họ thực hiện quyền nhờ Luật sư bào chữa chỉ thể thực hiện thông qua trung gian Điều tra viên hoặc những người có trách nhiệm trong công tác giam giữ, vì vậy yêu cầu Luật sư tham gia bào chữa cho họ phải mất một thời gian dài mới thành hiện thực là điều khó tránh khỏi.

Thứ hai, công tác kiểm sát việc thụ lý, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, việc tạm giữ, tạm giam của Viện kiểm sát là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, Viện Kiểm sát đã thực hiện rất đầy đủ nhiệm vụ này và định kỳ báo cáo kết quả công tác với cấp trên; Đồng thời, Ngành kiểm sát cũng có ban hành Quy chế hướng dẫn cho công tác này. Nhưng quyền hạn của Viện kiểm sát khi phát hiện có sự vi phạm trong quá trình thụ lý, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm chỉ dừng lại ở quyền kiến nghị; Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, Viện kiểm sát cũng kiểm tra thường kỳ và bất thường, nhưng việc kiểm tra diễn ra ban ngày, nếu người bị tạm giữ, tạm giam không trình báo hoặc khi Kiểm sát viên rời khỏi Buồng tạm giữ, tạm giam lúc đó xảy ra việc bức cung, dùng nhục hình thì Kiểm sát viên cũng không có cách nào phát hiện được.

Người dân không khỏi phẫn nộ khi xem những hình ảnh  thi thể nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị các công an đánh đập tàn nhẫn dẫn đến bỏ mạng. Ảnh: TL

Thứ ba, Điều 34 Bộ luật TTHS quy định, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra có trách nhiệm kiểm tra hoạt động của Điều tra viên và phải quyết định thay đổi Điều tra viên khi người này vi phạm pháp luật (có hành vi bức cung, dùng nhục hình), nếu Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không hoàn thành trách nhiệm, để xảy ra tình trạng bức cung, dùng nhục hình thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; Và Điều 285 Bộ luật hình sự cũng quy định về loại tội phạm này. Vấn đề ở đây là trong thực tiễn có xử lý những người có thẩm quyền đó hay không.

Thứ tư, từ quy định của Điều 298 và Điều 299 Bộ luật hình sự thì chỉ cần có hành vi tra tấn gây đau đớn về thể xác, bắt người bị tình nghi phạm tội nhịn ăn uống, không cho ngủ... hoặc dùng thủ đoạn uy hiếp về tinh thần buộc họ phải khai báo không đúng với những gì họ đã làm thì tội phạm Dùng nhục hình hoặc Bức cung đã hoàn thành về mặt pháp lý; Nếu tiếp tục dùng nhục hình cho đến khi người bị tình nghi chết, lúc đó hành vi của chủ thể cấu thành thêm tội phạm khác (Cố ý gây thương tích hoặc giết người). Về lý luận đã rõ, nhưng những người có thẩm quyền áp dụng pháp luật trong thực tiễn cho rằng hành vi của những người vi phạm (các cán bộ Công an tỉnh Phú Yên) chỉ cấu thành một tội Dùng nhục hình và chỉ xử lý về tội phạm ấy lại là vấn đề của thực tiễn vận dụng pháp luật.

Thứ năm, một kiến nghị khác nhằm hạn chế tình trạng bức cung, dùng nhục hình trong thực tiễn yêu cầu ngành công an lắp đặt hệ thống máy ghi hình tại các phòng lấy lời khai, hỏi cung. Tôi cho rằng giải pháp này cũng chỉ hạn chế được phần nào tình trạng trên. Khi muốn dùng nhục hình, cơ quan điều tra có thể đưa người bị tình nghi vào nơi khác thực hiện, sau đó mới cho họ vào buồng lấy lời khai, hỏi cung để làm việc thì việc lắp đặt máy ghi hình cũng không phát huy tác dụng.

VÕ VĂN TÀI

Kỳ tới: Công an không thể tự cho mình cái quyền đánh người 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm