Chung tay xây dựng pháp chế xã hội chủ nghĩa

Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM:

Cần đột phá vào trận địa thương mại quốc tế

Chung tay xây dựng pháp chế xã hội chủ nghĩa ảnh 1
Ưu điểm của Pháp Luật TP.HCM là phục vụ cho nhiều đối tượng, từ người rành luật đến người không biết gì về luật. Thông qua những bài viết, báo đã cung cấp kiến thức pháp luật đến bạn đọc, giúp bạn đọc tiếp thu dễ dàng, có thể ứng dụng khi đụng chuyện. Nhưng ưu điểm này cũng đồng thời chứa đựng ít nhiều hạn chế, đó là muốn phân tích, phản ánh vấn đề chuyên sâu thì lại không có đất. Vì vậy, báo nên thường xuyên tổ chức hội thảo, gặp gỡ các chuyên gia để ghi nhận những phân tích, nhận định chuyên sâu của họ. Như thế sẽ làm tờ báo hài hòa hơn.

Là tờ báo hàng đầu về pháp luật nhưng báo vẫn còn ít những tuyến bài chuyên sâu, có thể thành tài liệu tham khảo cho người quan tâm. Ví dụ, sắp tới sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự, báo nên tổ chức cho các chuyên gia viết bài giới thiệu, phân tích. Hoặc chuyện nước ta có nên áp dụng chế định án lệ không, áp dụng thế nào cho phù hợp… Những bài viết chuyên sâu ấy góp phần nâng tầm tờ báo, đồng thời đa dạng hóa thông tin cho nhiều giới bạn đọc.

Chúng ta đang sống trong thời hội nhập sâu nên báo cần duy trì nội dung về luật pháp quốc tế, luật so sánh, nhất là luật thương mại các nước. Trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, chúng ta rất cần những ví dụ sinh động từ thực tiễn pháp lý của nước ngoài để tham chiếu, cập nhật và rút kinh nghiệm. Ví dụ, vừa qua dấy lên sự kiện quản lý game online, nhiều trẻ mê game online quá, chúng ta có thể tìm hiểu xem nước ngoài họ quản lý game như thế nào, liệu ta có thể học hỏi cách quản lý của họ hay không. Hay như việc cấm hút thuốc, cấm uống rượu, ở nước ngoài quy định thế nào, bắt vi phạm, phạt ra sao mà người dân phải tuân thủ răm rắp, ta thì chưa làm được.

Thậm chí những sự kiện như sửa đổi, bổ sung quy định của nước ngoài cũng nên được lưu ý. Người ta đi trước về kinh tế, xã hội mà cũng gặp những vấn đề mới phát sinh, phải sửa đổi, bổ sung quy định thì chúng ta cần ghi chú lại để có thể tham chiếu khi muốn sửa đổi, bổ sung quy định trong nước.

Chung tay xây dựng pháp chế xã hội chủ nghĩa ảnh 2

Theo Luật sư Trương Trọng Nghĩa, báo cần duy trì nội dung về luật pháp quốc tế, luật thương mại quốc tế….để tham chiếu, học tập và rút kinh nghiệm trong tiến trình hội nhập. Trong ảnh: Đối tác nước ngoài lựa chọn sản phẩm gỗ xuất khẩu để ký hợp đồng mua bán. HTD

Ngoài ra, báo cần chú trọng khai thác đời sống của các doanh nghiệp, doanh nhân xem họ vướng mắc gì trong kinh doanh, kiến nghị cơ quan chức năng tháo gỡ những vướng mắc ấy. Đồng ý họ có những tờ báo chuyên ngành về kinh tế nhưng tôi tin với cách khai thác có nghề của mình, Pháp Luật TP.HCM hoàn toàn có thể kéo họ về phía mình bằng những bài viết gần gũi, sát sườn với đời sống kinh doanh của họ.

PGS-TS TRƯƠNG ĐẮC LINH, Trường Đại học Luật TP.HCM:

Tích cực đẩy vụ việc tới cùng

Chung tay xây dựng pháp chế xã hội chủ nghĩa ảnh 3
Báo có đội ngũ phóng viên năng động, nắm bắt được thực tiễn nhanh. Điều này cần phải tiếp tục phát huy hơn nữa. Đối với những vấn đề pháp lý phức tạp, anh em cần phải biết “đứng trên vai người khổng lồ”, phải biết dựa vào đội ngũ chuyên gia am tường nhất để đẩy nó tới cùng và tìm hướng giải quyết, chứ không chỉ dừng lại ở mức phản ánh.

Tôi nghĩ những chuyên gia trong lĩnh vực này luôn sẵn sàng hỗ trợ báo để giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn đời sống xã hội, qua đó giúp nhà nước hoàn thiện hơn hệ thống chính sách, pháp luật. Tôi còn nhớ rõ khi báo thực hiện loạt bài về “Một cửa một dấu”, báo đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực tiễn của vấn đề và sự phân tích của các chuyên gia. Kết quả rất rõ ràng, Chính phủ đã dừng lại việc thí điểm cơ chế một dấu.

Mặt khác, nước ta đang trong giai đoạn chuyển đổi hội nhập cho nên hàng loạt vấn đề pháp lý đặt ra mà luật pháp hiện hành chưa điều chỉnh kịp. Tôi nghĩ với vai trò của mình, báo chí phải đặt ra các vấn đề ấy để nhà nước thấy và tìm hướng giải quyết. Muốn thế, báo cần liên hệ chặt chẽ hơn với các lãnh sự quán các nước tại TP.HCM để tìm hiểu xem ở các nước đã điều chỉnh vấn đề này hoặc giải quyết như thế nào. Song song đó, báo cần nêu những kinh nghiệm thực tiễn xử lý ở các quốc gia đó ra sao. Như vậy sẽ rất hữu ích cho công tác lập pháp của nước nhà.

Đối với cải cách tư pháp, tôi nghĩ vấn đề con người rất quan trọng, cụ thể ở đây là phải xây dựng đội ngũ thẩm phán đủ năng lực và phẩm chất. Báo cần phải nêu gương lực lượng này. Nhưng chú ý là không nên nêu gương hình thức mà phải kiếm cho ra những con người thật, việc thật để biểu dương. Biểu dương thì biểu dương cho đúng chứ không phải “lăng-xê, đánh bóng”.

Thẩm phán LÊ THÀNH VĂN, Phó Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai:

Người dân coi Pháp Luật TP.HCM như nguồn án lệ

Bây giờ hầu như tờ báo nào cũng có trang pháp luật nhưng gói gọn vài lĩnh vực nào đó mà thôi. Còn Pháp Luật TP.HCM thì từ trang đầu đến trang cuối đều thấm đẫm chất luật. Mỗi vụ việc báo đều nhìn nhận, soi rọi dưới khía cạnh pháp lý, từ quy định “thấp bé, nhẹ cân, ngực lép” đến chuyện đánh thuế xe ôm… báo đều lên tiếng rất mạnh.

Từ lâu, uy tín của tờ báo đã tạo cho bạn đọc một quán tính rất đáng lưu ý. Đó là hễ đụng đến những chuyện liên quan đến pháp luật mà còn nhiều tranh cãi thì y như rằng bạn đọc lại trông chờ vào những ý kiến của Pháp Luật TP.HCM. Ban đầu những cú lội ngược dòng của báo có làm cho bạn đọc thấy sốc nhưng về sau, khi bạn đọc nhận thấy báo nói vậy là đúng thì tự nhiên niềm tin nhân lên gấp bội.

Với nhiều bạn đọc, tờ báo còn là một nguồn để đối chiếu, so sánh khi họ gặp phải những tình huống liên quan đến pháp luật trong đời thường. Thậm chí khi ra tòa, nhiều người còn viện dẫn báo Pháp Luật TP.HCM nói thế này, quan chức nọ phát biểu thế kia… để tranh luận, bào chữa trước tòa. Dĩ nhiên khi ấy tòa không căn cứ vào sự viện dẫn đó để phán xử nhưng tòa cũng coi đó là nguồn tham khảo đáng tin cậy, góp phần soi rọi và củng cố thêm niềm tin trước khi ra phán quyết.

Tôi nhớ trước đây báo có nhiều loạt bài về những chuyện tưởng như rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng đối với cải cách tư pháp. Từ chỗ ngồi của luật sư so với kiểm sát viên đến trang phục của luật sư, thẩm phán, từ chuyện ai phải chào ai khi hội đồng xét xử vào phòng xử án đến chuyện bị cáo có cần thiết phải mặc áo tù khi ra tòa... Những chuyện này vừa là văn hóa pháp đình, vừa thể hiện quyền uy của tòa khi nhân danh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam để xét xử và tuyên án. Thực tế luật chưa quy định hoặc có nhưng chưa thật cụ thể, chúng ta chỉ làm theo thói quen mà quên suy xét xem nó đúng sai, hợp lý thế nào. Khi báo đặt vấn đề, nhiều người phải nhìn nhận lại và cho tới nay nhiều vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ. Vì vậy, tôi nghĩ báo nên tiếp tục đeo bám.

Ngoài ra, trong tiến trình cải cách tư pháp còn có rất nhiều vấn đề mà báo cần theo đuổi. Ví như chuyện phân chia thành bốn cấp tòa, tòa án khu vực sẽ hoạt động thế nào, chia vậy có nâng cao thêm tính độc lập trong xét xử của tòa hay chưa… Bởi xét cho cùng, mọi cải cách đều dựa trên tiêu chí khoa học, hợp lý nhưng phải đảm bảo tối đa sự tiện lợi cho người dân mỗi khi hữu sự. Tôi tin với những chuyện hấp dẫn bạn đọc thế này, báo “cày” quanh năm cũng chưa hết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm