Chụp ảnh: Không phải muốn là được

ThS Thái Thị Tuyết Dung, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết:

Chúng ta có nhiều quy định về việc cấm quay phim, chụp ảnh như: Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, Nghị định số 33/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh, Quyết định số 160/2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục các địa điểm cấm, Nghị định 73/2010 của Chính phủ quy định việc xử phạt hành vi quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ ở khu vực cấm. Điều cần lưu ý là những địa điểm, khu vực cấm đó phải được chính quyền, cơ quan, đơn vị gắn biển báo.

. Trừ những khu vực có biển cấm, ở các khu vực còn lại thì mọi người được quay phim, chụp ảnh thoải mái hay sao?

+ Có nhiều ý kiến cho rằng nếu pháp luật không cấm thì người dân được phép làm nên theo đó, mọi người có quyền quay phim, chụp ảnh ở bất kỳ nơi nào không có biển cấm. Theo tôi thì không phải như vậy. Nếu không có bảng báo thì mọi người còn phải xem xét các yếu tố khác như có xâm phạm quyền riêng tư hay không, có làm ảnh hưởng đến công việc, kinh doanh của người khác hay không… Chẳng hạn, có những cửa hàng không muốn quay phim, chụp ảnh để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ các bức tranh quý tránh ánh đèn flash. Ở các khu vực là không gian chung của nhiều người (như tiền sảnh tòa nhà, cao ốc văn phòng cho nhiều đơn vị thuê…), có thể quay phim, chụp ảnh các hoạt động chung nhưng không thể chụp một cá nhân khi họ không đồng ý.

Chụp ảnh: Không phải muốn là được ảnh 1

Người dân có quyền chụp ảnh, quay phim nơi công cộng mà không cần phải xin phép. Ảnh: HTD

. Khi nhìn thấy một trụ sở đẹp, người dân có quyền đứng ngoài đường chụp ảnh hay không? Hoặc họ có thể đi vào các phòng làm việc, phòng họp của cơ quan đó để quay phim hay không?

+ Đối với các công sở, các công ty, đơn vị kinh doanh, mọi người được đứng bên ngoài quay phim, chụp ảnh bình thường. Nhưng nếu vào trong thì mọi người buộc phải tuân thủ các quy định của cơ quan, đơn vị đó. Không ai được tự ý quay phim, chụp ảnh các hoạt động của riêng cơ quan, đơn vị.

. Xin cảm ơn ThS.

TP.HCM hạn chế việc cắm biển cấm

Nếu tỉnh Bình Thuận mở rộng các khu vực, địa điểm cấm (trong quyết định năm 2010, số khu vực, địa điểm cấm trên địa bàn tỉnh này tăng so với quyết định năm 2005) thì TP.HCM làm ngược lại. Theo Hướng dẫn số 5266/HD-BCĐ ngày 15-10-2012, Ban Chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước của TP.HCM lưu ý: “Việc cắm biển “khu vực cấm”, “địa điểm cấm” là vấn đề rất nhạy cảm về chính trị, xã hội. Vì vậy, các đơn vị cần cân nhắc trước khi quyết định cắm biển cấm. Chỉ cắm biển cấm khi không có biện pháp bảo vệ nào tốt hơn”.

Ngoài ra, chủ tịch UBND TP.HCM chỉ quyết định các khu vực cấm, còn địa điểm cấm thì do thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định.

Cần chỉ rõ nơi cấm quay phim, chụp ảnh

Để thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ có ban hành Quyết định 160/2004 về việc xác định khu vực cấm, địa điểm cấm. Gồm có:

“1. Các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển.

2. Các khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; các khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân.

3. Các kho dự trữ chiến lược quốc gia.

4. Các công trình, mục tiêu đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội.

5. Khu vực biên giới (trừ các thị xã, thị trấn và các điểm du lịch đã được Chính phủ cho phép…)”.

Các khu vực, địa điểm được xác định là khu vực cấm, địa điểm cấm phải cắm biển “khu vực cấm”, “địa điểm cấm” theo mẫu quy định.

Từ khung cơ bản này, Thủ tướng giao thẩm quyền cho chủ tịch UBND tỉnh xác định khu vực cấm, địa điểm cấm cụ thể và quyết định cắm bảng cấm trong phạm vi địa phương mình quản lý theo đề nghị của giám đốc công an cấp tỉnh.

Đây chính là lý do mà một số tỉnh như Bình Thuận đã lần lượt ban hành hai quy định (một quyết định năm 2005, một quyết định năm 2010) về các địa điểm cấm quay phim, chụp ảnh, trong đó có trụ sở công an huyện, tỉnh. Điều đáng nói là số địa phương thực hiện nghiêm Quyết định 160 của Thủ tướng lại không có nhiều.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì Tiền Giang, nơi PV báo Nông Thôn Ngày Nay bị lập biên bản về hành vi chụp ảnh ở trụ sở công an cấp huyện, không có quy định về các khu vực, địa điểm cấm cụ thể trên địa bàn tỉnh. Khi được hỏi “căn cứ pháp lý nào để bắt lỗi PV chụp ảnh ở nơi cấm?”, Công an TP Mỹ Tho chỉ viện dẫn Quyết định 160 mà điểm 2 Điều 2 của quyết định này thì nêu chung chung “khu công an, doanh trại công an nhân dân…”. Với Quyết định 31/2010 của UBND tỉnh Bình Thuận, mọi người đều xác định được ngay trụ sở công an cấp huyện của tỉnh này là khu vực, địa điểm cấm. Nhưng với các từ “khu”, “doanh trại” đã nêu của Quyết định 160 của Thủ tướng, làm sao người dân có thể dễ dàng xác định trụ sở công an cấp nào của Tiền Giang nằm trong danh sách cấm?

Đồng ý là tại cơ quan này có gắn ba biển cấm ở ba vị trí bên trong và PV báo Nông Thôn Ngày Nay đã sai khi tự ý chụp ảnh ở nơi có biển cấm song vẫn phải thấy rằng việc gắn biển cấm như thế sẽ “pháp lý” hơn nếu được thực hiện dựa trên một văn bản pháp quy của UBND tỉnh.

Theo điểm k khoản 1 Điều 25 Nghị định 73/2010 của Chính phủ, hành vi “quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ ở khu vực cấm” bị phạt từ 500.000 đến 2 triệu đồng. Nếu không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng thì nhiều khả năng PV báo Nông Thôn Ngày Nay bị xử phạt 1.250.000 đồng. Có thể sẽ có nhiều người rút kinh nghiệm đắt từ việc xử phạt này. Nhưng rõ ràng UBND tỉnh Tiền Giang và các tỉnh khác cũng phải nhanh chóng ra văn bản xác định các khu vực, địa điểm cấm trên địa bàn mình, đồng thời tổ chức cắm biển để mọi người cùng có cơ sở thực hiện.

TP

KIM PHỤNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm